Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm mạng quang tử, thuộc Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản (NICT), vừa công bố một kỷ lục thế giới mới về tốc độ truyền dữ liệu Internet, đạt mức 125.000 GB/giây trên quãng đường 1.802 km.
Thành tựu này được thực hiện nhờ phát triển thành công một loại cáp quang mới đột phá.
Tốc độ kỷ lục này nhanh gấp 4 triệu lần so với tốc độ mạng Internet cáp quang trung bình tại Mỹ, cho phép người dùng tải xuống hàng trăm nghìn bộ phim chất lượng cao (HD) chỉ trong vòng một giây.
Ước tính sơ bộ cho thấy, toàn bộ kho thư viện khổng lồ Internet Archive có thể được tải xuống trong chưa đầy 4 phút với tốc độ này.

Công nghệ truyền dữ liệu mới của các nhà khoa học Nhật Bản có thể sẽ giúp xây dựng những hệ thống trí tuệ nhân tạo siêu thông minh (Ảnh minh họa: Pinterest).
Kỷ lục mới của NICT đã vượt xa kỷ lục cũ được thiết lập vào năm ngoái bởi các nhà khoa học tại Đại học Aston (Vương quốc Anh), với tốc độ truyền dữ liệu 50.250 GB/giây.
Các nhà khoa học tại NICT cho biết, loại cáp quang mới được phát triển có khả năng gửi dữ liệu với tốc độ đột phá qua một quãng đường dài tương đương từ bang New York đến bang Florida.
Để đạt được điều này, họ đã nén 19 sợi cáp quang riêng lẻ vào bên trong một sợi cáp có đường kính chỉ 0,005 inch (0,127mm), tương đương kích thước của hầu hết các loại cáp quang tiêu chuẩn hiện nay. Điều này mang ý nghĩa quan trọng khi cáp quang mới có thể được triển khai dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có mà không cần thay đổi lớn.
Trước đó, vào tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu của NICT cũng đã đạt được tốc độ truyền tải dữ liệu tương đương, nhưng chỉ trong quãng đường bằng 1/3 so với kỷ lục mới này.
Thử thách lớn nhất trong việc tăng độ dài truyền dữ liệu là sự suy hao tín hiệu. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã kết hợp nhiều công nghệ khuếch đại khác nhau để tăng cường công suất truyền tín hiệu, đồng thời vận dụng tính chất của từng bước sóng ánh sáng để tối ưu hóa khả năng truyền tín hiệu qua hệ thống cáp quang.
Kỷ lục mới này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ phát triển các hệ thống Internet truyền tải dữ liệu tốc độ cao, dung lượng lớn và khoảng cách xa, đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng trên toàn cầu.
Mặc dù đầy hứa hẹn, thời điểm cụ thể công nghệ này được áp dụng vào thực tế vẫn chưa rõ ràng. Ngay cả khi được triển khai, chúng vẫn sẽ được ưu tiên cho quá trình nghiên cứu và người dùng phổ thông có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiếp cận được công nghệ Internet siêu tốc này.
Việc ứng dụng tốc độ mạng Internet siêu tốc vào thực tế có thể trở thành nền tảng vững chắc để phát triển những hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) siêu thông minh, khi dữ liệu có thể truyền và nhận trong chớp mắt giữa máy chủ và các hệ thống AI, giúp chúng đưa ra các quyết định và xử lý các vấn đề một cách nhanh chóng và thông minh hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/nhat-ban-lap-ky-luc-ve-toc-do-internet-nhanh-gap-4-trieu-lan-mang-tai-my-20250717093834762.htm
Bình luận (0)