Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những “ngọn lửa không tắt”

Dù đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Nhưng nhiều văn nghệ sỹ vẫn miệt mài sáng tác dâng hiến cho đời những tác phẩm bất hủ. Ngọn lửa đam mê trong họ...

Báo Lai ChâuBáo Lai Châu27/05/2025

Tôi đã gặp tác giả Huỳnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Văn Tịnh) vào một buổi chiều tháng năm rực nắng. 85 tuổi - độ tuổi mà người ta tìm đến sự an nhàn, tĩnh lặng. Thế nhưng, trong căn phòng nhỏ phủ kín sách và kỉ niệm - dấu ấn của một đời tận hiến, ông vẫn ngồi đó, miệt mài bên những trang giấy. Ông cười, đôi mắt ánh lên sự tinh anh, trìu mến: “ Văn chương với tôi là hơi thở, là máu thịt. Tôi viết vì không thể không viết”. Ông chia sẻ. Là một cựu giáo chức, nhưng văn chương đã sớm bén rễ trong ông như một định mệnh. Từ mảnh đất Lai Châu gắn bó máu thịt, ông đã viết nên những tác phẩm giàu chiều sâu và cảm xúc. Trở lại Mường xưa đưa người đọc trở về ký ức thân thương, trong khi Tình sử một vùng đất và lửa Pu Ta Leng khắc họa bản sắc và khát vọng của một vùng đất hùng vĩ. Đặc biệt, Lửa hoàng hôn - tập thơ như lời tâm sự lặng lẽ của một người từng trải. Mỗi vần thơ, mỗi dòng văn ông viết ở tuổi xế chiều không còn ồn ã, không tìm kiếm sự phô trương bằng ngôn từ hoa mỹ. Đó là tiếng lòng lặng lẽ, là sự chiêm nghiệm lắng sâu của một đời người từng trải qua bao bể dâu, mất mát và yêu thương. Chính tình yêu bền chặt với Lai Châu - miền đất đã in hằn dấu chân và ký thác trọn trái tim ông đã trở thành nguồn mạch bất tận nuôi dưỡng sáng tác của Huỳnh Nguyên. Để hôm nay, dù đôi tay đã run, dáng người đã chùng xuống bởi sức nặng của thời gian, ông vẫn bền bỉ cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, viết tiếp những câu chuyện, những trang thơ bất tận về một Lai Châu tươi đẹp, giàu ân tình.

Thông thường, khi tuổi già gõ cửa, người ta thường mong muốn được nghỉ ngơi. Thế nhưng với những văn nghệ sĩ như nhiếp ảnh gia, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Lò Văn Chiến, đó lại là “mùa gặt” của sáng tạo. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài rong ruổi khắp các bản làng xa xôi, mang theo chiếc máy ảnh như một người bạn đồng hành, để ghi lại vẻ đẹp con người và thiên nhiên Lai Châu. Tình yêu với văn hóa dân tộc đã được ông nuôi dưỡng từ những năm tháng công tác, khi giữ cương vị lãnh đạo huyện Phong Thổ cũ. Những ngày đi cơ sở, sống gần dân, cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con đã thôi thúc ông tìm hiểu, gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống. Để làm được điều đó, ông không quản ngại đường xá cách trở, tìm đến từng bản làng, gặp gỡ các bậc cao niên, thầy mo để học hỏi, thuyết phục họ chia sẻ những tri thức quý giá.

Nhiếp ảnh gia, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Lò Văn Chiến tâm huyết với các công trình nghiên cứu văn hoá.                                                       

Là một nghệ sĩ đa tài, ông không chỉ say sưa trong nhiếp ảnh mà còn đam mê sáng tác thơ ca và nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông là tác giả của nhiều công trình có giá trị như "Then của người Pu Nả ở Lai Châu", "Văn hóa ẩm thực người Pu Nả"… cùng các tập thơ giàu cảm xúc như Xuân biên cương. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc, trong đó có giải thưởng nổi bật như Sắc màu các dân tộc Lai Châu. Hiện nay, ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam – minh chứng cho một đời cống hiến bền bỉ, trọn lòng với văn hóa quê hương.

Bà Phùng Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lai Châu chia sẻ: "Bên cạnh đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ trung, sung sức đầy triển vọng, các văn nghệ sĩ cao tuổi chính là những “cây cao bóng cả” góp phần quan trọng tạo nên diện mạo văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu hôm nay. Với tri thức và những cống hiến bền bỉ suốt nhiều thập kỷ, họ đã đặt nền móng vững chắc cho nền văn hóa nghệ thuật địa phương. Thời gian qua, Hội đã tổ chức hỏi thăm, động viên tinh thần, tạo điều kiện để các nghệ sĩ tiếp tục tham gia trại sáng tác, xuất bản tác phẩm, tổ chức các hội thảo, triển lãm... Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan truyền thông để lan tỏa giá trị tác phẩm đến với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với các nghệ sĩ cao tuổi, sáng tác không chỉ là đam mê mà còn là cách tri ân cuộc đời, gìn giữ ký ức dân tộc và truyền cảm hứng. Chúng tôi luôn trân trọng và tự hào về những "ngọn lửa không tắt" ấy”.

Những sáng tác ở tuổi xế chiều thường không còn ồn ào, không nhằm gây tiếng vang, mà như lời thì thầm của thời gian - chậm rãi nhưng thấm sâu. Đó có thể là truyện ngắn viết trong đêm lạnh, bức ảnh chụp dọc những cung đường, hay bài thơ gửi người bạn đã khuất. Không thể phủ nhận những rào cản: sức khỏe, tuổi tác, cô đơn, khoảng cách thế hệ, thậm chí là sự thờ ơ của giới trẻ… Tất cả có thể khiến một nghệ sĩ già chùn chân. Nhưng vượt lên tất cả là nghị lực sống, là khát vọng không chịu lùi bước. Với những "ngọn lửa không tắt" ấy, sáng tác là hơi thở, là sợi dây kết nối với thế giới và là minh chứng rằng họ vẫn còn hữu ích với cuộc đời. Không chỉ là hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhiều người trong số họ còn là cộng tác viên kỳ cựu của các cơ quan báo chí địa phương, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa bằng chính trải nghiệm và chiều sâu tri thức của mình. Thứ họ cần không phải là lời tán dương, mà là sự lắng nghe và chia sẻ. Để những tác phẩm không bị rơi vào quên lãng, mà trở thành một phần ký ức văn hóa. Bởi chính trong sự lặng lẽ ấy, họ đang âm thầm gìn giữ hồn cốt của nghệ thuật Việt Nam.

Nguồn: https://baolaichau.vn/van-hoa/nhung-ngon-lua-khong-tat-637330


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm