Làm giàu cho mình, cho quê hương
Từng là vùng quê nghèo, xã Vạn Ninh (nay là phường Móng Cái 1) đã khởi sắc nhờ sự nỗ lực của những nông dân như ông Bùi Văn Trình, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản gần 7ha theo hướng VietGAP. Quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó, ông đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, từng bước gây dựng thương hiệu nông sản sạch. Ông Trình cho biết: “Chỉ có lao động nghiêm túc, sản xuất bài bản mới mong có thành quả bền vững. Tôi luôn tâm niệm thành công của mình phải gắn với việc làm cho bà con, với sự đổi thay của quê hương”. Hiện mỗi năm trang trại của ông Trình mang lại lợi nhuận trên 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trình còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông hỗ trợ 7 hộ chính sách về nhà ở, 11 hộ cận nghèo và hộ khó khăn về vốn sản xuất; đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng NTM, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của địa phương trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Tại phường Uông Bí, chị Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thùy, là một tấm gương sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2019 chị mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất nấm đông trùng hạ thảo khép kín theo chuẩn hiện đại, phát triển 10 dòng sản phẩm dược liệu cao cấp. Đến nay 4 sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty đạt OCOP 4 sao, đưa thương hiệu Phương Thùy vươn xa.
“Tôi không chọn con đường dễ dãi, mà tìm cách làm nông nghiệp bằng công nghệ, tri thức. Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều phải là kết tinh của tâm huyết và trách nhiệm”, chị Phương cho biết. Với doanh thu ổn định, chị tạo việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên, gần 20 lao động thời vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Không sở hữu nhà xưởng hiện đại hay công nghệ cao, ông Vũ Minh Thường (thôn Đồng Giữa, phường Hoành Bồ) khởi nghiệp theo cách rất thuần nông - trồng ổi lê và bưởi da xanh trên 1,1ha đất đồi, canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng hệ thống tưới tự động. Sự tâm huyết và tư duy làm nông bài bản đã giúp HTX Nông lâm nghiệp Toàn Phú (10 thành viên) do ông làm Giám đốc, đạt doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
“Trồng cây gì cũng được, nhưng quan trọng nhất là phải làm sạch, làm bền và làm có trách nhiệm. Nông dân bây giờ không chỉ chăm chỉ, mà còn phải học hỏi, kết nối thị trường, làm thương hiệu nữa”, ông Thường chia sẻ.
Đồng hành cùng nông dân
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi thực sự thấm sâu vào đời sống của hàng chục nghìn hội viên, nông dân trong tỉnh. 5 năm qua toàn tỉnh có 81.100 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp/gần 308.800 lượt hộ đăng ký thi đua. Ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú, trở thành trụ cột kinh tế của địa phương, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Phong trào đã thực sự trở thành cú huých làm thay đổi tư duy sản xuất, tạo động lực thúc đẩy liên kết, ứng dụng KHCN, nâng cao giá trị nông sản. Đáng chú ý, các hộ nông dân SXKD giỏi đã trở thành lực lượng nòng cốt trong hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, phổ biến kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “nông dân dạy nông dân”.
Đồng hành cùng hội viên, nông dân, các cấp HND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm, tổ chức hội thảo chuyên đề, tọa đàm kết nối thị trường, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP... HND nhiều địa phương tổ chức cho nông dân tham quan học tập những mô hình SXKD giỏi tiêu biểu để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Năm 2025 các cấp HND tỉnh đặt mục tiêu có trên 62.000 hộ đăng ký thi đua, trong đó trên 34.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch HND tỉnh: Để phong trào đi vào chiều sâu, các cấp HND tỉnh duy trì và mở rộng các kênh tạo vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân và các chương trình tín dụng chính sách, nhằm tiếp sức cho hội viên, nông dân. Đồng thời quan tâm hướng dẫn, tư vấn nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái xanh - sạch, ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP; phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác; chủ động hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật...
Nguồn: https://baoquangninh.vn/lang-que-doi-thay-3366777.html
Bình luận (0)