Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai giám sát chuyển đổi số tại Sở Nông nghiệp và Môi trường, thúc đẩy nông nghiệp số, quản lý tài nguyên thông minh, vì một Long An số hóa toàn diện
Đổi mới quản lý, cải cách hành chính
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lấy người dân và DN làm trung tâm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An đặt trọng tâm vào việc đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ số. Đến nay, Sở cung cấp 212 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 67 thủ tục được cung cấp toàn trình.
Đáng chú ý, 100% thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đều được số hóa, lưu trữ và theo dõi qua hệ thống Một cửa điện tử. Kết quả này đã đưa Sở Nông nghiệp và Môi trường được xếp loại “Tốt” về chất lượng phục vụ người dân, DN trong giải quyết TTHC (tính đến ngày 31/12/2024).
Việc 100% văn bản hành chính được ký số và xử lý, gửi, nhận qua không gian mạng, cùng với việc cấp 378 tài khoản email công vụ, đã rút ngắn đáng kể thời gian xử lý công việc, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả làm việc.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai (VBDLIS) với 1.812.036 thửa đất không gian và 1.603.993 thửa đất thuộc tính (tính đến ngày 28/4/2025) được duy trì ổn định, phục vụ đắc lực cho công tác giải quyết TTHC về đất đai, minh bạch hóa thông tin và tạo thuận lợi cho người dân.
Nông nghiệp thông minh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Chuyển đổi số trong nông nghiệp - bước đột phá đưa công nghệ 4.0 vào đồng ruộng, từ cánh đồng thông minh đến nhà kính hiện đại, nâng tầm giá trị nông sản và cải thiện đời sống nông dân
Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp được xem là khâu đột phá, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Sở tích cực hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản với 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc qua mã QR được cấp cho 17 cơ sở chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và 247 sản phẩm OCOP (trong đó có 51 sản phẩm 4 sao).
Thương mại điện tử cho nông sản cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể. Hơn 800 cơ sở đã được hướng dẫn tạo tài khoản trên sàn nongsanantoanlongan.vn và hơn 350 cơ sở đã đăng tải sản phẩm. Toàn tỉnh có 66.426 tổ chức, cá nhân bán hàng trên các sàn Postmart.vn và Voso.vn với 8.385 sản phẩm, cùng 180 gian hàng với 478 sản phẩm trên sàn longantrade.com.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như Canh tác lúa thông minh sử dụng phần mềm Rynan Mekong, ứng dụng Agritask ghi chép nhật ký đồng ruộng, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, hay mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 đang dần khẳng định hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nông dân. Đặc biệt, việc xây dựng phần mềm quản lý và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng đã hỗ trợ hiệu quả từ khâu sản xuất, truy xuất nguồn gốc đến kết nối thị trường.
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường cũng chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ nhờ CĐS. Sở đã vận hành hiệu quả 3 trạm quan trắc không khí, 3 trạm quan trắc nước mặt tự động, cùng 35 trạm đo mực nước và 13 trạm đo độ mặn tự động.
Các trạm này cung cấp dữ liệu liên tục, giúp cảnh báo sớm, phục vụ công tác giám sát, dự báo thủy văn, điều tiết công trình thủy lợi và bảo vệ môi trường. Dữ liệu từ 12 trạm quan trắc chất lượng nước mặt, nước dưới đất và không khí được gửi nhận liên tục trên phần mềm Envisoft và chuyển tiếp về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, góp phần vào hệ thống quản lý môi trường quốc gia.
Việc triển khai Dự án “Hệ thống công khai thông tin tài nguyên và môi trường” và thí điểm mô hình CĐS trong quản lý chất thải trên địa bàn TP.Tân An hứa hẹn sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này.
Đặc biệt, chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đang được triển khai mạnh mẽ với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở nông thôn. Đến nay, tỉnh đã triển khai mô hình ấp NTM thông minh trên 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với các ứng dụng thiết thực như điều khiển tưới tiết kiệm nước bằng điện thoại, camera an ninh và phủ sóng wifi/4G/5G.
Việc công khai quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất trên Internet và điện thoại thông minh đối với 15 huyện, thị xã, thành phố cũng là một bước tiến lớn, phục vụ trực tiếp lợi ích của người dân.
Tỉnh phấn đấu chuyển đổi số trong quản lý đất đai: Từ bản đồ giấy truyền thống đến hình ảnh vệ tinh hiện đại, tạo nền tảng cho quy hoạch hiệu quả và phát triển xanh
Phát huy những kết quả đạt được, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm tính kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu hiệu quả với hệ thống dữ liệu dùng chung của tỉnh. Việc nâng cấp hệ thống công khai thông tin tài nguyên nước và môi trường, tiếp tục triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý ngành là những nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị tỉnh nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, đặc biệt là cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho cán bộ, người dân và DN, khắc phục tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến cũng sẽ được chú trọng.
Hành trình CĐS của Sở Nông nghiệp và Môi trường đã và đang mang lại những giá trị thiết thực, không chỉ thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả quản lý mà quan trọng hơn là phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân và DN, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh./.
Bách Việt
Nguồn: https://baolongan.vn/nong-nghiep-4-0-va-tai-nguyen-so-don-bay-cho-su-phat-trien-a195911.html
Bình luận (0)