Tiềm năng phong phú
ĐBSCL nằm ở cực Nam của Tổ quốc, là vùng đất rộng lớn với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cảnh quan tươi đẹp, cây trái tươi tốt quanh năm và sự đan xen văn hóa của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... với nhiều lễ hội đặc sắc gắn liền lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Địa hình ĐBSCL rất đa dạng với những ngọn núi huyền bí ở An Giang; những cánh rừng ngập nước ở Đồng Tháp, Cà Mau; nhiều hòn đảo hoang sơ ở An Giang, nổi tiếng với đảo ngọc Phú Quốc... Ẩm thực dân gian rất phong phú, cùng nhiều làng nghề truyền thống, như: Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, nghề dệt chiếu ở Cà Mau, nghề chằm nón lá ở Cần Thơ, nghề tơ lụa ở Tân Châu - An Giang, nghề làm bánh Pía ở Sóc Trăng (TP. Cần Thơ), nghề trồng hoa Sa Đéc... tạo ra tiềm năng lớn cho phát triển các loại hình DL sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, tâm linh và ẩm thực.
Một góc đảo ngọc Phú Quốc
Với tiềm năng dồi dào, giai đoạn 2022 - 2024, ngành DL ĐBSCL ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của Cục DL quốc gia Việt Nam, doanh thu DL của vùng đạt hơn 32.000 tỷ đồng năm 2022, tăng lên 45.743 tỷ đồng năm 2023 (tăng 42,59%) và đạt 62.239 tỷ đồng năm 2024 (tăng 36,06%). Các điểm đến như Phú Quốc, Cần Thơ và Châu Đốc đã và đang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước; trong đó, đặc khu Phú Quốc (tỉnh An Giang) đã trở thành điểm đến DL quốc tế nổi tiếng…
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Phát triển DL bền vững là định hướng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển DL, đưa DL thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, DL thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2227/QĐ-TTg, ngày 18/11/2016 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển DL vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm về DL của cả nước với mục tiêu: “Phát triển DL tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của vùng đối với DL Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của DL trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh của vùng ĐBSCL với cả nước và quốc tế”…
Tập trung khai thác
An Giang là một trong những địa phương có nhiều tiền năng, thế mạnh phát triển DL. Với diện tích tự nhiên 9.888,91km2, hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý đa dạng từ biển, đảo, núi rừng đến đồng bằng trù phú… Các yếu tố trên mang lại cho tỉnh tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh vượt bậc trong phát triển kinh tế biển, DL sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao... “Sau khi hợp nhất An Giang và Kiên Giang thành tỉnh An Giang mới có vị trí địa lý thuận lợi cho việc xây dựng các dự án giao thông liên tỉnh và sẽ trở thành một trong những tỉnh có tiềm năng DL lớn nhất và đa dạng nhất ĐBSCL. Do đó, An Giang là địa điểm lý tưởng để hình thành các mô hình DL bền vững có thể nhân rộng trong khu vực và trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển DL liên vùng” - GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, ĐBSCL có lợi thế trong liên kết, hợp tác phát triển DL và thu hút các dòng khách DL trong nước cũng như quốc tế thông qua hệ thống đường bộ, đường sông, đường hàng không và đường hàng hải. Sở hữu tài nguyên DL văn hóa độc đáo, DL ĐBSCL đã phát triển rất tốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của DL Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới, trong nước đang biến đổi không ngừng, tác động nhất định đến phát triển DL bền vững vùng ĐBSCL.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc
“Cần tập trung phát triển sản phẩm DL vùng ĐBSCL theo 3 nhóm sản phẩm với thứ tự ưu tiên, gồm: Sản phẩm DL đặc thù (DL trải nghiệm gắn với đời sống sông nước, miệt vườn; DL sinh thái; DL văn hóa gắn với các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của đồng bào Nam Bộ…); sản phẩm DL quan trọng (DL nghỉ dưỡng biển, đảo; DL gắn với công nghiệp giải trí; DL gắn với nông nghiệp, nông thôn); sản phẩm DL bổ trợ (DL cộng đồng, DL gắn với các lễ hội; DL ẩm thực; DL tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng)… và cần có định hướng phát triển thị trường DL dài hơi” - PGS.TS Bùi Văn Huyền nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát triển sản phẩm đặc trưng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong DL, đặc biệt là số hóa điểm đến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong quản lý và khai thác tiềm năng DL của vùng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững hơn. Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành DL vùng; liên kết công - tư trong xây dựng và quảng bá thương hiệu vùng, tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp lữ hành lớn, hãng hàng không. Các địa phương trong vùng cần liên kết xây dựng chiến dịch quảng bá dài hạn, hiện đại, có định hướng thị trường rõ ràng. Đặc biệt, ưu tiên phát triển sản phẩm DL gắn với thiên nhiên như DL sinh thái, DL cộng đồng, DL văn hóa, hướng đến thân thiện môi trường và bảo tồn giá trị bản địa…
ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực DL. Sự phát triển DL bền vững không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, mà còn góp phần giữ gìn hệ sinh thái và giá trị văn hóa đặc trưng của miền sông nước. Để làm được điều đó, cần sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân và du khách - những người đồng hành cùng vùng đất này trên hành trình phát triển bền vững.
HỮU HUYNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-ben-vung-du-lich-dbscl-a423598.html
Bình luận (0)