Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương. Về phía Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: P.V |
Góp ý kiến xây dựng trung tâm tài chính hiệu quả
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, tích cực xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để trình Bộ Chính trị xem xét và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra; đồng thời xây dựng các nghị định chuyên ngành để sớm xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm.
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan, như: mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các định hướng phát triển và lĩnh vực trọng tâm; thành viên, các sản phẩm chủ yếu của trung tâm tài chính; các chính sách, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thị thực; việc áp dụng thể chế, thông lệ quốc tế; vấn đề tự do hoá ngoại hối và hoạt động ngân hàng; việc giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: P.V |
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, cùng với công tác tham mưu, đề xuất xây dựng về cơ chế chính sách, Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, các hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.
Thành phố đã bố trí quỹ đất sạch tại các khu vực gần biển với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam, hướng tới thiết lập khu phức hợp, văn phòng và khu dịch vụ công nghệ tài chính. Trong dài hạn, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới để gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các nhà đầu tư khác vào trung tâm tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hình thành trung tâm tài chính quốc tế nhằm giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính toàn cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản phẩm của trung tâm tài chính quốc tế bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, ngoại hối, tài chính xanh, tín chỉ carbon, công nghệ tài chính, tài sản số...
Việt Nam sẽ thành lập một trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 địa điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, có sự phân công chức năng và định hướng rõ ràng, bảo đảm sự phát triển hài hòa.
Trong phạm vi trung tâm tài chính quốc tế sẽ thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox, khuyến khích công nghệ tài chính fintech, cho phép các doanh nghiệp fintech thử nghiệm sáng kiến mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối blockchain...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: P.V |
Tạo nguồn lực cho đất nước từ trung tâm tài chính
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo, các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng; yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo nghị quyết.
Tinh thần là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không quá cầu toàn nhưng không nóng vội, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; đã làm là phải thành công, phải thắng lợi, làm tới đâu chắc tới đó.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã xác định 2 mục tiêu 100 năm: đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn đạt được các mục tiêu thì phải tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, tạo môi trường thuận lợi, ổn định bên trong và ổn định bên ngoài, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho phát triển nhanh, bền vững, ổn định để phát triển, phát triển để ổn định.
Để tăng trưởng 2 con số thì phải có vốn, trong khi chúng ta đang thiếu vốn, do đó phải xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính cho 2 mục tiêu 100 năm.
Thủ tướng nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì môi trường pháp lý phải cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ, thông thoáng; hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với thế giới và điều kiện cụ thể, hoàn cảnh Việt Nam; nhân lực phải chuyên nghiệp, chất lượng ca và có các điều kiện cần thiết để vận hành trung tâm; quản trị phải thông minh, hiện đại, phù hợp.
Đặc biệt là bảo đảm quyền tài sản, bảo đảm tự do, sáng tạo trong kinh doanh, tự do đi lại, ra vào thuận tiện, có chính sách visa thuận lợi với những người cần khuyến khích, tạo môi trường sống vượt trội, thuận lợi, an toàn.
Mục tiêu là thu hút vốn cho phát triển đất nước nhanh, xanh, bền vững, đặc biệt là vốn trung và dài hạn; tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thiết lập và cung ứng các dịch vụ tài chính hiện đại cho thế giới; phát triển đồng tiền số phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện Việt Nam.
Bảo đảm tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, đồng thời không để lợi dụng, thao túng đưa nguồn lực của Việt Nam ra bên ngoài trái quy định. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một sân chơi tự do và có lợi, nhưng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể liên quan; thu hút nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp, cả vào khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Thủ tướng lưu ý, tự do hóa các hoạt động kinh doanh nhưng có lộ trình phù hợp với nền kinh tế; cắt bỏ tất cả các loại giấy phép sau khi đã có quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường hậu kiểm; vận hành trung tâm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu và quy luật giá trị, có sự quản lý thống nhất của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; có tòa án chuyên biệt tại trung tâm.
MAI QUẾ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-de-bo-sung-nguon-luc-tai-chinh-cho-hai-muc-tieu-100-nam-4006845/
Bình luận (0)