Phu nhân Ngô Phương Ly tham quan triển lãm tranh của họa sĩ Việt Nam và Nga tại Trường đại học Mỹ thuật Moskva mang tên V.I.Surikov. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Từng học Khoa Thiết kế Mỹ thuật tại Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa và điện ảnh, Phu nhân Ngô Phương Ly chọn giới thiệu lĩnh vực mà bà am hiểu và tâm huyết: hội họa đương đại Việt Nam. Năm họa sĩ Việt Nam tiêu biểu, sáng tác bằng chất liệu và phong cách đa dạng, đã được lựa chọn mang tranh trưng bày tại Azerbaijan và Nga. Đó là họa sĩ Đinh Quân với sơn mài trừu tượng; Phạm Bình Chương với sơn dầu tả thực giàu cảm xúc; Bùi Tiến Tuấn với tranh lụa phá cách, đầy chất thơ; Đinh Thị Thắm Poong với tranh giấy dó rực rỡ, nữ tính; Nguyễn Ngọc Đan với sơn dầu hiện đại, mạnh mẽ.
Phu nhân Ngô Phương Ly am hiểu và tâm huyết với hội họa đương đại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Phu nhân Ngô Phương Ly đã đến thăm Viện Mỹ thuật hàn lâm quốc gia Moskva mang tên V.I.Surikov, dự cuộc giao lưu “Sắc màu Nga - Việt”, nơi trưng bày tác phẩm của các họa sĩ Nga và Việt Nam. Trong số những tác phẩm hội họa Việt Nam hiện diện tại đây còn có hai bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, thân phụ của bà. Tác phẩm Bến cảng và Trong bảo tàng được họa sĩ Ngô Mạnh Lân sáng tác trong khoảng thời gian ông đang học đạo diễn hoạt hình tại Trường đại học Điện ảnh Quốc gia Nga mang tên S.A.Gerasimov (VGIK) từ năm 1956 đến năm 1962. Trước khi sang Nga học tập, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã tốt nghiệp Khóa Mỹ thuật Kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc, do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo. Nhưng theo nhận định của giới chuyên môn, những tác phẩm ra đời trên đất Nga được ông tạo nên từ cách nhìn, cách cảm của một người Nga thật sự. Phu nhân Ngô Phương Ly chia sẻ: Với nhiều năm sống và học tập tại Nga, cha bà cũng như nhiều thế hệ người Việt đã thẩm thấu sâu sắc tâm hồn, tính cách Nga.
Phu nhân Ngô Phương Ly và kỷ vật của cha. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Một điểm đến khác trong các hoạt động của Phu nhân tại Moskva là Trường đại học Điện ảnh Quốc gia Nga mang tên S.A.Gerasimov (VGIK). Với bà, đây không chỉ là một địa chỉ văn hóa, mà còn là một nơi gắn bó với ký ức gia đình. Thuở nhỏ, bà đã quen thuộc với tên gọi VGIK qua những câu chuyện của cha và người chị gái từng học tại đây. Phu nhân được Hiệu trưởng - NSND Liên bang Nga Vladimir Malyshev đưa tới thăm Khoa Đồ họa trang thiết bị hiện đại; thăm phòng trưng bày tác phẩm của các thế hệ sinh viên, trong đó có tác phẩm của NSND - Đạo diễn - Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, gồm ba bức tranh sơn dầu và những tranh minh họa bản tiếng Nga truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, xuất bản tại Nga lần đầu năm 1959. Đặc biệt, trên chiếc bàn kê giữa phòng, có những bài vẽ, những ký họa, và đặc biệt là cuốn học bạ của sinh viên Ngô Mạnh Lân, với toàn điểm 5 xuất sắc. NSND Vladimir Malyshev trao tặng Phu nhân Ngô Phương Ly bản sao cuốn học bạ có “tuổi đời” gần 70 năm.
Ôm kỷ vật của cha vào lòng, bà nghẹn ngào xúc động. Giây phút riêng tư ấy lan tỏa cảm xúc sâu sắc tới những người có mặt. Phu nhân gửi lời cảm ơn chân thành tới nhà trường và bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam được học tập tại đây, cũng như những hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam-Nga được phát triển trong thời gian tới.
Phu nhân Ngô Phương Ly đến thăm Trường đại học Điện ảnh Quốc gia Nga mang tên S.A.Gerasimov (VGIK). Ảnh: Nguyễn Hồng |
Vốn kín tiếng và khiêm nhường, từ khi đảm nhận trọng trách mới, Phu nhân Ngô Phương Ly đã từng bước xác lập vai trò của mình bằng tri thức, trách nhiệm và nền tảng văn hóa vững vàng. Với bản lĩnh riêng, tâm hồn nghệ sĩ và sự tinh tế trong ứng xử, bà đang lặng lẽ góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Theo Nhân Dân
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/phu-nhan-ngo-phuong-ly-lan-toa-ban-sac-van-hoa-viet-trong-hoat-dong-doi-ngoai-b9a1c26/
Bình luận (0)