
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có khoảng 397km đê (gần 34km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V). Hệ thống đê này có nhiệm vụ bảo vệ khoảng 43.600ha diện tích và khoảng 250.000 người; có khả năng chịu được gió bão cấp 9-10 kết hợp thủy triều tần suất 10%, là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc.
Tuy nhiên, không chủ quan trước những diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt chế độ trực cao điểm phòng, chống thiên tai, đồng loạt kiểm tra, gia cố các tuyến đê biển, đê sông và công trình phòng hộ xung yếu; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời mọi tình huống, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Công tác di dời dân tại các vùng nguy hiểm trong mưa bão được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ.
Các điểm sơ tán được bố trí đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu, an toàn cho người dân trong thời gian trú tránh bão. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng thường trực 24/24 tại khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Liên Hòa Dương Văn Hào, tuyến đê qua địa bàn được thiết kế chắn sóng từ 5,1-5,5m, có 38 cửa qua các khu dân cư, bãi vật liệu và cửa mở kết nối với khu công nghiệp và các công ty; phía ngoài đê (phía biển) có rừng chắn sóng với các loại cây lậu, sú, mắn, đước…; có 6 cống tiêu qua đê. Đến nay, để ứng phó với bão số 3, phường đã rà soát toàn bộ hiện trạng tuyến đê; chỉ đạo, phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý sự cố và tiêu thoát nước trong đồng, tránh xảy ra nguy cơ ngập úng.
Phường Liên Hòa đã chuẩn bị các vật tư phân bổ tại các điểm xung yếu, tại chân cơ đê phía đồng trên tuyến đê Hà Nam; bố trí lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng ứng phó các diễn biến phức tạp của bão.

Nhìn chung, tính đến chiều 21-7, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã kiện toàn lực lượng “4 tại chỗ” thuộc các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Tỉnh cũng đã thiết lập kênh liên lạc 24/24 giờ trong suốt thời gian bão đổ bộ và mưa sau bão. Đặc biệt, tại các xã, phường có tuyến đê kết hợp giao thông, phương án cấm đường khi gió to, triều cường lớn đã được chuẩn bị để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Theo bản tin phát lúc 17h ngày 21-7 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 21-7, gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14 tại ven biển Quảng Ninh - Nghệ An.
Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió cấp 6, giật cấp 7-8. Đáng lưu ý, gió cấp 10-11 có thể làm đổ cây cối, cột điện, tốc mái nhà.
Từ chiều tối 21 đến 23-7, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to, phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/quang-ninh-kich-hoat-che-do-truc-cao-diem-ung-pho-bao-so-3-709883.html
Bình luận (0)