Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sân khấu Đồng Nai: Chạm vào ký ức, lay động trái tim

Bằng những chương trình nghệ thuật, vở diễn giàu cảm xúc và đầy tính nhân văn, sân khấu Đồng Nai đã và đang trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục truyền thống, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai25/07/2025

Câu chuyện về người lính được nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ly Na
Câu chuyện về người lính được nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ly Na

Không chỉ là nơi tái hiện lịch sử, sân khấu còn là không gian kết nối cảm xúc, nơi nghệ sĩ thổi hồn vào quá khứ bằng tâm huyết và trái tim, khơi dậy ký ức hào hùng, hun đúc tinh thần yêu nước nơi người xem hôm nay.

Tái hiện cảm động hình ảnh người thương binh, liệt sĩ

Được đầu tư dàn dựng công phu và ghi hình, phát sóng trên các kênh VTV cùng nền tảng mạng xã hội, đến nay vở cải lương Đồng chí vẫn là một trong những niềm tự hào của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Vở diễn khai thác hình tượng người lính từng đi qua khói lửa chiến tranh, với nhân vật ông Trung (nghệ sĩ Thành Vinh thể hiện) không ngại hy sinh, để rồi mang thương tật suốt đời. Trở về thời bình, ông sống mẫu mực, là tấm gương cho con cháu noi theo.

Với ông Trung, ký ức về đồng đội đã hy sinh luôn là phần thiêng liêng nhất cuộc đời. Dù cuộc sống có đổi thay hay có người quên đi những gì cha ông đã trải qua, nhưng với ông Trung thì không. Gặp lại những người từng cầm súng bên mình, dẫu ở chiến tuyến nào ông vẫn giữ trọn lòng bao dung và tình đồng đội. Tinh thần ấy không chỉ là hồi ức, mà là lời nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý và trách nhiệm với đất nước.

Cũng khai thác đề tài về người thương binh, liệt sĩ, trích đoạn cải lương Sắc hoa màu nhớ được livestream trên fanpage của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thời gian qua khiến khán giả không khỏi xúc động. Nghệ sĩ Thành Vinh vào vai ông Hưng - người lính già mù lòa, mang trong tim nỗi day dứt về những đồng đội đã nằm lại chiến trường và ký ức sâu nặng về Tư Lài, người con gái từng yêu, tưởng đã hy sinh. Nhiều năm qua, ông vẫn lặng lẽ thắp hương tưởng niệm bà như một phần của đời mình.

Nghệ sĩ Thành Vinh chia sẻ: “Được thể hiện những vai diễn như ông Trung, ông Hưng với tôi không chỉ là vinh dự, mà còn là trách nhiệm. Tôi luôn cố gắng thể hiện nhân vật bằng tất cả sự trân trọng, để khán giả hiểu được rằng, đằng sau những vết thương là những câu chuyện, là tình đồng đội, là sự tri ân sâu sắc và lòng yêu nước không đổi thay”.

Nghệ sĩ Hồng Gấm, một trong những gương mặt quen thuộc của sân khấu Đồng Nai, tham gia nhiều vở diễn, trích đoạn cải lương đề tài về người thương binh, liệt sĩ. Với chị, được hóa thân thành những người mẹ, người vợ, người thân nơi hậu phương cũng là cách để kể lại những mất mát âm thầm, không kém phần đau đớn so với người lính tham gia chiến trận. Những vai diễn ấy không chỉ mang chiều sâu cảm xúc, chạm đến trái tim người xem, mà còn kết nối các thế hệ, nhắc nhớ về giá trị của hòa bình và lòng biết ơn.

Anh Nguyễn Minh Phúc, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (phường Trấn Biên), chia sẻ: “Các câu chuyện giúp em hiểu thêm về những khó khăn, mất mát mà thế hệ cha ông từng trải qua, biết trân trọng hòa bình và sống có trách nhiệm hơn”.

Nối dài tri ân, đánh thức lòng yêu nước

Đề tài về thương binh, liệt sĩ vốn không dễ dựng trên sân khấu, bởi tính đặc thù, chiều sâu lịch sử và yêu cầu cao về cảm xúc. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vẫn miệt mài dàn dựng, công diễn các vở diễn, trích đoạn cải lương; đồng thời xây dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật tri ân vào tháng 7. Qua đó, giáo dục truyền thống, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và lan tỏa đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Không dừng lại ở các buổi diễn truyền thống, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai còn chủ động ứng dụng công nghệ vào biểu diễn và quảng bá tác phẩm.

Trích đoạn cải lương Sắc hoa màu nhớ đề tài về người thương binh, liệt sĩ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn.
Trích đoạn cải lương Sắc hoa màu nhớ đề tài về người thương binh, liệt sĩ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn.

Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc cho biết, việc đưa các trích đoạn, vở diễn cải lương lên các nền tảng số như: YouTube, Facebook đã giúp tác phẩm nghệ thuật vượt qua giới hạn không gian, thời gian, tiếp cận được đông đảo khán giả. Mỗi vở diễn không chỉ là câu chuyện lịch sử được kể lại bằng nghệ thuật, mà còn là “cầu nối” đưa khán giả, đặc biệt là giới trẻ trở về với cội nguồn, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lối sống nhân văn.

Cùng với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai thời gian qua cũng đẩy mạnh sáng tác, quảng bá đề tài về người lính, công diễn hàng chục chương trình nghệ thuật, sân khấu cải lương, kịch nói… phục vụ nhân dân, nhất là đối tượng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho hay, mỗi chương trình thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo hiệu ứng sân khấu hết sức hiệu quả. Đây không chỉ là động lực thôi thúc văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục sáng tạo, mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ của sân khấu truyền thống và vai trò của nghệ thuật trong đời sống hiện đại.

Ly Na

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/san-khau-dong-nai-cham-vao-ky-uc-lay-dong-trai-tim-c853042/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm