Trước đây, với diện tích đất sản xuất của gia đình, ông Lò Văn Bun ở bản Coóc Nọc, xã Nà Tăm chủ yếu để trồng ngô, lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao; lương thực chỉ đủ phục vụ cho gia đình và chăn nuôi. Được sự vận động của cấp ủy, chính quyền thôn, xã; ông Bun mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất sang trồng dong riềng.
“Trồng cây dong riềng này gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, bảo đảm đầu ra sau khi thu hoạch, nên gia đình rất yên tâm và hy vọng sẽ cho thu nhập cao hơn cây ngô, lúa. Hiện diện tích dong riềng gia đình tôi đang phát triển tốt chỉ thời gian ngắn nữa sẽ cho thu hoạch”, ông Bun cho biết thêm.
Cũng mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng mới, nhưng gia đình anh Lò Văn Én ở bản Nà Hiềng, xã Nà Tăm lại lựa chọn cây ớt để cải thiện thu nhập. Theo anh Én thì với hơn 3 sào ớt của gia đình, qua vụ đầu thu hoạch cho thấy cây ớt có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô gấp 2 – 3 lần. Gia đình anh dự định sẽ mở rộng diện tích để có thu nhập cao hơn.
Lấy nông nghiệp là nguồn lực phát triển kinh tế, ngoài 300 ha lúa 2 vụ bảo đảm an ninh lương thực, thời gian gần đây xã Nà Tăm đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ đó từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 87 ha cây mắc ca, 227 ha chè Shan tuyết, Kim tuyên; trong đó, diện tích chè kinh doanh là 167 ha. Ngoài ra, xã vận động người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dong riềng, ớt…
Theo Chủ tịch xã Nguyễn Văn Chiến, diện tích trồng ớt ở xã đã đạt gần 1,3 ha, thu hoạch vụ đầu đạt năng suất 20 tấn/ha, giá trị kinh tế từ 200 – 250 triệu đồng/ha; 45 ha dong riềng dự kiến thu hoạch cuối năm 2024 là, khoảng 60 tấn củ/ha với giá bán từ 120 – 150 triệu đồng/ha.
“Qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã khơi dậy tinh thần vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập của bà con Nhân dân. Đến nay, xã Nà Tăm đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,86%, cận nghèo 11%”, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho hay.
Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có 13 xã, thị trấn, với hơn 12.500 hộ. Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Đảng bộ, chính quyền huyện đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân cùng tham gia vào chương trình giảm nghèo.
Đồng thời, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình giảm nghèo; đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Huyện Tam Đường có tổng diện tích gieo trồng cây lương thực hơn 8.670 ha, sản lượng đạt gần 41.000 tấn; diện tích chè 2.332 ha; cây ăn quả là 1.160 ha; tổng đàn gia súc ước đạt 38.400 con, gia cầm 252.000 con… 100% người nghèo, cận nghèo, người DTTS thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp Thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,15%.
“Đây là những kết quả quan trọng thể hiện hướng đi đúng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường khẳng định.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, đã góp phần giúp huyện Tam Đường thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng như đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2025 – 2030; nhất là mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tam-duong-lai-chau-khoi-day-tinh-than-vuon-len-thoat-ngheo-trong-dong-bao-dtts-1729239952629.htm