Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tận dụng lợi thế từ Nghị quyết số 136 để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao

Việt NamViệt Nam04/09/2024


Đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu

Tại Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2023, toàn thành phố có hơn 52 nghìn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố (trung bình toàn quốc là 3,7%). Trên địa bàn thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (cao gấp 3 tỷ lệ trung bình cả nước).

Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC... với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa Đại Nẵng và các trường đại học khác trên địa bàn thành phố. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Theo nhiều chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, có ý nghĩa cốt lõi và đóng vai trò quyết định trong thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn.


Theo nhiều chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Tổng giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ tại Đà Nẵng, tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

“Một doanh nghiệp không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp, với kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết sâu sắc về thị trường, có thể cung cấp cho các cơ sở đào tạo những thông tin cập nhật về nhu cầu nhân lực, từ đó giúp điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp cơ hội thực tập, môi trường làm việc thực tế cho sinh viên, giúp họ tiếp cận sớm với các dự án thật sự, từ đó rèn luyện kỹ năng và nâng cao năng lực”, ông Lê Quang Đạm nói.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam Trịnh Khắc Huề nhìn nhận, Đà Nẵng cần hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn, chú trọng đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn.

“Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng để Đà Nẵng trở thành trung tâm mới của Việt Nam về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”, ông Trịnh Khắc Huề nói.

Thời gian qua, Đà Nẵng rất nỗ lực và có nhiều bước đi quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn như: thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo; tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về thiết kế vi mạch; lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip; tham mưu Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.


22 giảng viên ưu tú nhận Giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình bồi dưỡng giảng viên nguồn về thiết kế vi mạch thành phố Đà Nẵng

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm chính trị cao, thành phố đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói, đáp ứng nhu cầu nhân lực bán dẫn trong và ngoài nước đến năm 2030.

Nói về phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Trước mắt, Đà Nẵng sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu rất lớn, chứ không phải đào tạo nhân lực phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà hướng tới nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu”.

Có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền thành phố nhận thức rõ rằng, việc phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu phát triển một cách bài bản và dài hạn. Do vậy, sự chung tay, chủ động của nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng với sự đồng hành hỗ trợ và quyết tâm của Nhà nước sẽ là cơ sở tạo nên "đột phá", đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần chương trình đào tạo bài bản, khoa học và phù hợp

Với mục tiêu “đào tạo ra một nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu” thì Đà Nẵng cần có một chương trình đào tạo bài bản, khoa học và phù hợp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Công ty FCC Partners C.Y. Huang cho biết, dự kiến năm 2031, Hàn Quốc thiếu đến 56 ngàn kỹ sư có năng lực cao, Nhật Bản thiếu hơn 40 ngàn kỹ sư. Vì vậy, có thể thấy rằng không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian đến, các quốc gia cần có chiến lược đào tạo toàn diện. Đồng thời cần phối kết hợp giữa các ngành kinh tế và chính quyền để thúc đẩy phát triển đào tạo”, ông C.Y. Huang định hướng.


Theo các chuyên gia, Đà Nẵng cần có một chương trình đào tạo bài bản, khoa học và phù hợp

Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Synopsys khu vực Nam Á và Việt Nam Adrian Ng Siong Teck cũng đồng nhất quan điểm: "Điều quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường cần giới thiệu sinh viên đến các công ty để làm việc. Điều này giúp sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm".

Theo Giám đốc Trung tâm R&D, Công ty Infineon Vũ Duy Việt - đại diện cho công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói, kiểm thử cho biết, trên thực tế, một sinh viên mới ra trường cho đến giai đoạn có thể làm việc ở một đơn vị vẫn có khoảng cách mà các trường đại học chưa thể đáp ứng được. Các trường đại học nên lấp đầy khoảng cách đó bằng các  hình thức đào tạo bổ sung.

Tại Đà Nẵng, với lợi thế của mình, một số cơ sở đào tạo đang nỗ lực trong “cuộc đua” xây dựng chương trình, đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.


Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và 6 trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ

Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 5.700 sinh viên, trong đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm gần 80%. 3 trường thành viên Đại học Đà Nẵng là Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch từ tháng 8-2024 với 170 chỉ tiêu/năm.

PGS. TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, cùng với việc hợp tác với các doanh nghiệp, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã và đang xây dựng một nền tảng vững chắc để đào tạo ra những kỹ sư có trình độ cao, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn không chỉ tại Đà Nẵng mà còn trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động để đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn: triển khai khóa học STEM cho học sinh THPT ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; mở cửa miễn phí trung tâm không gian đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê khoa học kỹ thuật cho các em trước khi vào trường đại học.

Tại Trường Khoa học máy tính, Trường Đại học Duy Tân (DTU) cũng tập trung phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2024, hiện có gần 100 sinh viên đăng ký theo học chuyên ngành này. Song song với triển khai đào tạo trình độ đại học, trường quan tâm đến đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng cấp kỹ năng về thiết kế vi mạch cho sinh viên và đội ngũ cán bộ giảng viên các ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, điện - điện tử.

Trước đó, vào tháng 5-2024, Liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Công ty TNHH Synopsys Việt Nam để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam. Liên minh VASA chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng thực tế theo nhu cầu thị trường trong cả 2 lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử. Qua đó, giúp người học nâng cao kỹ năng trình độ, cũng như tối đa hóa khả năng áp dụng kiến thức được học vào thực tế công việc. Ngoài hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước, thành phố đã và đang làm việc với các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực chất lượng cao như Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ), Đại học Khoa học kỹ thuật Minh Tân tại Đài Loan (Trung Quốc)…

KÝ KẾT NHIỀU BIÊN BẢN GHI NHỚ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VI MẠCH BÁN DẪN ĐÀ NẴNG

Trong khuôn khổ “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn.

Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp và hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với và 6 trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng gồm: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học FPT và Trường Đại học Đông Á.

Trung tâm DSAC và Công ty CP Tecotec Group và Công ty K&H MFG ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn và hỗ trợ phòng nghiên cứu.

Trường Đại học Đông Á ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan, Trung Quốc) về hỗ trợ và phối hợp trong đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn.

Công ty CP Tecotec Group và Công ty KandH MFG trao biên bản ghi nhớ với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đông Á, Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Phương Đông) về hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Công ty LTD Material trao biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) về hợp tác tuyển dụng nhân sự cho công ty.


Các giảng viên được trao chứng nhận hoàn thành Chương trình bồi dưỡng giảng viên về thiết kế vi mạch Đà Nẵng

Dịp này, Trung tâm DSAC phối hợp với Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng), Công ty Synopsys trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho các giảng viên đã hoàn thành Chương trình bồi dưỡng giảng viên nguồn về thiết kế vi mạch thành phố Đà Nẵng.

Đại diện Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) và Trung tâm DSAC công bố danh sách 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn cho giảng viên thành phố Đà Nẵng.

Tận dụng lợi thế từ Nghị quyết số 136/2024/QH15

Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, là động lực, nền tảng để phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng phát triển bền vững và đạt được hiệu quả cao trong thời gian đến.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc phát triển Đà Nẵng, triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn với nghị quyết các Đại hội toàn quốc của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã cơ bản được hình thành. Đây là cơ sở để tự tin đổi mới, sáng tạo, tạo bước bứt phá thần tốc, quyết liệt hơn trong phát triển Đà Nẵng.

Trong các cơ chế chính sách mới của Nghị quyết số 136/2024/QH15, có cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Và không riêng gì cơ chế này, mà để thực hiện các cơ chế chính sách mới của Nghị quyết số 136/2024/QH15 nói chung, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Đà Nẵng không thể tự làm một mình, song phải tự lực, tự cường vươn lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế”.

Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, Đà Nẵng vui mừng đón nhận các cơ chế, chính sách vừa có tính đặc thù, vừa có tính đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm và những khó khăn, thách thức trong việc triển khai để hiện thực hóa các chính sách này trên thực tiễn.

Trong đó, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cũng là một trong các vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ.

“Nếu Đà Nẵng tổ chức thành công những cơ chế đột phá này thì sẽ là góp phần xây dựng và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 14 của Đảng, là cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định triển khai ở những địa phương khác”, Bí thư Thành uỷ nói.

Với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cả về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa, lịch sử cùng sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Đà Nẵng sẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 một cách hiệu quả.

Qua đó đưa thành phố phát triển nhanh, mạnh, vừa tăng tốc đột phá nhưng cũng bảo đảm bền vững và bao trùm, đúng như tầm nhìn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cùng kỳ vọng của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

THANH THẢO



Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=60556&_c=3

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm