Hiệu quả kinh tế từ cây đậu đen
Đậu đen xanh lòng là cây trồng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, ít đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn, hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp với đất ruộng vào mùa khô. Mô hình trồng đậu đen xanh lòng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm ở xã Đăng Hà đang mở ra hướng phát triển mới cho bà con nông dân nơi đây.
Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng cách, gia đình bà Trịnh Thị Bảy ở thôn 3, xã Đăng Hà đã phát triển cây đậu đen xanh lòng trên diện tích 2.500m đất vườn. Theo bà Bảy, đậu đen xanh lòng là cây trồng có sức chịu hạn cao, thích nghi và phát triển tốt ở vùng đất cằn, ít bị nhiễm sâu bệnh, thời gian gieo trồng ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Với giá đậu đen xanh lòng trên thị trường hiện khoảng 35-60 ngàn đồng/kg, ước tính 1 ha trồng đậu đen xanh lòng cho thu nhập khoảng 65 triệu đồng/vụ, gấp 2 lần trồng lúa và gấp hơn 3 lần trồng khoai lang. “Cây đậu đen phù hợp với tất cả loại đất, chỉ cần làm sạch cỏ, không cần phân, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng thuốc dưỡng. Sáng hái về phơi, chiều đập vỏ để lấy hạt, không vất vả mà thu nhập cũng khá” - bà Bảy chia sẻ.
Đậu đen xanh lòng của gia đình bà Trịnh Thị Bảy thu hoạch xong không đủ để bán
Ưu điểm của giống đậu này kháng bệnh, năng suất đạt cao, thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 40 ngày là cho thu hoạch), cây ra hoa tập trung, ít nhiễm bệnh. Ngoài ra, khả năng chín tập trung cao, trong vòng 20 ngày là thu hoạch xong, năng suất thực thu đợt 1 đạt trên 65% tổng năng suất. Sau khi thu hoạch xong, có thể gom cây ủ làm phân bón cho cây trồng vụ sau.
Từ những vùng đất trước đây trồng lúa, nay đã được bà con nông dân khai thác, đầu tư chuyển đổi sang trồng cây đậu đen xanh lòng. Việc chuyển đổi cây trồng này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tiết kiệm nước tưới từ 75-80% so trồng lúa, chống hoang hóa đất nông nghiệp do bỏ vụ, tăng độ phì cho đất, hạn chế dịch hại, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, mở ra hướng đi mới cho địa phương, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo nguồn sản phẩm ổn định cho thị trường.
Thu nhập cao từ trồng bắp
Vào mùa khô, nhiều cánh đồng ở xã Đăng Hà không trồng được lúa. Do vậy, sau khi thu hoạch lúa xong vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch, bà con nông dân phát dọn rơm rạ xuống giống trồng bắp cao sản. Năm nay bắp được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi.
4 tháng trước, gia đình ông Ngọc Văn Dưỡng ở thôn 3, xã Đăng Hà trồng 3 sào bắp cao sản DK 6919 trên diện tích đất trồng lúa. Lúa vừa gặt, rơm rạ đốt thành tro làm phân, đất còn ẩm, mềm nên ông Dưỡng chỉ lấy cuốc đào hố rồi gieo hạt bắp xuống. Theo ông Dưỡng, 1 sào bắp thu được 1,1 tấn bắp khô, giá bán 7.500 đồng/kg như hiện nay, vụ này ông thu được gần 25 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa. “Vì ruộng ở trên cao, nước không chảy tới để làm lúa được, tôi chuyển qua trồng bắp, năng suất cao hơn trồng lúa mà dễ chăm sóc. Giống bắp cao sản ít sử dụng phân, bán được giá” - ông Dưỡng cho biết.
Còn gia đình ông Triệu Văn Hữu trồng 1,4 sào bắp và thu được 1,8 tấn bắp hạt. Vụ bắp này gia đình ông được mùa, trái bắp đều, nhiều hạt, năng suất cao. Khá hài lòng với thu nhập từ cây bắp, ông Hữu cho biết, trồng bắp không tốn nhiều công chăm sóc và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như cây lúa. Điều quan trọng là chọn đúng giống và chịu khó theo dõi biểu hiện sinh trưởng của cây. Nếu muốn bán từ khi trái còn non thì công ty sẽ vào tận vườn để thu hoạch cả cây và trái. Tuy nhiên, bán như vậy thì giá không cao, nên ông quyết định để bắp già và bán hạt, lợi nhuận cao hơn gấp đôi so với trồng lúa. Ông Hữu cho biết, ông trồng giống bắp 6919 trái nhỏ, vỏ nhỏ, cùi nhỏ nhưng năng suất cao hơn.
Vợ chồng ông Triệu Văn Hữu thu hoạch bắp lai
Đăng Hà là xã thuần nông, diện tích nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là cây lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu nhập từ lúa không cao. Đặc biệt vào mùa khô, nhiều ruộng thiếu nước, do vậy người dân chuyển đổi cây trồng từ 3 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp. Cây bắp thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại xã Đăng Hà và ít tốn công chăm sóc nhưng lại cho năng suất cao, giá bán ổn định, vì thế, nhiều hộ trồng bắp rất vui và phấn khởi với loại cây trồng này.
Ngoài trồng đậu đen, bắp, nhiều nông dân còn trồng đậu xanh để tăng thu nhập và cải tạo đất. Đây không chỉ là giải pháp "lấy ngắn nuôi dài" mà còn là bước đệm an toàn giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, đặc biệt khi thời tiết diễn biến bất thường khiến kế hoạch gieo trồng lúa chính vụ bị gián đoạn.
Trồng các cây ngắn ngày như đậu đen, đậu xanh và bắp để phủ xanh đất ruộng sau vụ lúa là giải pháp hiệu quả, mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường. Việc nhân rộng mô hình này không chỉ góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh mà còn là bước đi cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp hiệu quả mà vẫn đảm bảo gìn giữ tài nguyên đất, nước và hệ sinh thái.
Bắp trồng trên đất ruộng lúa ít phải bón phân mà năng suất cao
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/173253/tang-thu-nhap-nho-luan-canh
Bình luận (0)