Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tháo gỡ rào cản pháp lý, thúc dòng vốn xanh...

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vay vốn triển khai các dự án xanh tuy đã được ban hành, nhưng cả phía ngân hàng và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng. Chính điều này khiến tỷ trọng tín dụng xanh hiện mới chỉ chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông26/05/2025

Tăng trưởng nhanh nhưng quy mô vẫn còn khiêm tốn

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), trong vòng 5 năm trở lại đây, tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 21% mỗi năm. Tính đến tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, so với con số chỉ 15 tổ chức vào năm 2017.

Đồng thời, 57 tổ chức đã triển khai đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với các khoản vay, với tổng dư nợ đạt 3,62 triệu tỷ đồng – tăng hơn 15 lần so với năm 2017. Nhiều tổ chức tín dụng cũng đã tiến hành công bố báo cáo phát triển bền vững, thể hiện cam kết với mục tiêu tài chính xanh.

Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh vượt trội so với mức tăng tín dụng chung của toàn hệ thống, nhưng tỷ trọng tín dụng xanh vẫn chỉ chiếm 4,3% tổng dư nợ, phản ánh quy mô còn khá khiêm tốn. Trong số các ngân hàng thương mại, Agribank là một trong những đơn vị tiên phong và tích cực nhất trong việc cấp tín dụng xanh.

Ông Đoàn Ngọc Lưu – Phó Tổng giám đốc Agribank – cho biết, tỷ trọng cho vay các dự án xanh tại ngân hàng đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Trong quý I/2025, Agribank dẫn đầu hệ thống về số lượng khách hàng vay thuộc lĩnh vực xanh, với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ gần 29.300 tỷ đồng. Dù vậy, con số này mới chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng dư nợ của ngân hàng, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.

Tương tự, tại BIDV, tín dụng xanh cũng mới dừng lại ở mức thấp. Ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc ngân hàng – cho biết dù có nhu cầu mở rộng tài trợ xanh, nhưng các ngân hàng vẫn đang vướng phải nhiều rào cản.

Cụ thể, hiện chưa có hệ thống tiêu chí môi trường rõ ràng, chưa có cơ chế xác nhận chính thức đối với dự án xanh hay các tiêu chuẩn cho trái phiếu xanh. Đồng thời, các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho tín dụng và trái phiếu xanh vẫn còn thiếu vắng.

Ngoài ra, đặc điểm của các dự án môi trường thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài, gây trở ngại cho việc tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống công cụ quản lý, giám sát danh mục tín dụng xanh, cùng với các tiêu chuẩn về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) hiện cũng chưa hoàn thiện, do thiếu một hành lang pháp lý đồng bộ và rõ ràng.

Tháo gỡ rào cản pháp lý thúc dòng vốn xanh chảy vào kinh tế tư nhân
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vay vốn triển khai các dự án xanh tuy đã được ban hành, nhưng cả phía ngân hàng và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng.

Tín dụng xanh sẵn sàng bứt phá

Hiện nay, không chỉ các ngân hàng gặp khó khăn trong việc triển khai tín dụng xanh, mà ngay cả doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp cận nguồn vốn này.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để có thể tiếp cận vốn xanh một cách thuận lợi, họ buộc phải áp dụng các chuẩn mực và thực hành báo cáo phát triển bền vững, minh bạch thông tin liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Tuy nhiên, việc tuân thủ các tiêu chuẩn này đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục phức tạp, khiến không ít doanh nghiệp nản lòng, chấp nhận từ bỏ cơ hội tiếp cận dòng vốn ưu đãi.

Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt này. Theo Tiến sĩ Lê Hùng Cường – Phó Tổng Giám đốc FPT Digital (thuộc Tập đoàn FPT), Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hiện đã ứng dụng AI để chấm điểm báo cáo ESG của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Việc này giúp rút ngắn đáng kể thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh của khối SME. Đối với ngân hàng, AI cũng giúp đơn giản hóa quy trình kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu báo cáo ESG một cách hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, Vietcombank đang hướng tới ứng dụng AI nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm tải áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Bà Ngô Thúy Phượng – Phó Trưởng ban Chiến lược của ngân hàng này cho biết, đây là một trong những định hướng chiến lược để đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Dẫu vậy, yếu tố then chốt vẫn nằm ở việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Đại diện BIDV nhận định, để đẩy mạnh tín dụng xanh, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần sớm ban hành các quy định rõ ràng về tiêu chí phân loại xanh, xác nhận dự án xanh cấp quốc gia, cũng như cơ chế quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động tín dụng. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích và ưu đãi để thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thiết lập hệ thống phân loại xanh là yếu tố nền tảng để định hướng luồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường, qua đó giúp Việt Nam hội nhập và tiếp cận hiệu quả các nguồn tài chính xanh toàn cầu.

Một tín hiệu tích cực là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố Sổ tay “Hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”. Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tài liệu này được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa NHNN và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), theo thông lệ quốc tế, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn ESG trong hoạt động tín dụng, hướng đến mục tiêu phát triển tài chính bền vững.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, Sổ tay là công cụ hữu hiệu, có tính “cầm tay chỉ việc” giúp các tổ chức tín dụng thiết lập quy trình quản lý rủi ro phù hợp với đặc thù từng ngân hàng và khoản vay.

Đây là tài liệu thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm triển khai Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh một cách hiệu quả.

Nguồn: https://baodaknong.vn/thao-go-rao-can-phap-ly-thuc-dong-von-xanh-chay-vao-kinh-te-tu-nhan-253664.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm