Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thỏa thuận thương mại EU-Mỹ: Đàm phán thành công hay thỏa hiệp chiến lược?

(Baothanhhoa.vn) - Ngày 27/7, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ công bố một thỏa thuận thương mại khung nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai bên.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa28/07/2025

Với việc áp dụng mức thuế 15% đối với phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ, thỏa thuận đã được đón nhận như một chiến thắng ngoại giao. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh rộng hơn về nguyên tắc thương mại, sự mất cân bằng quyền lực và các chuẩn mực quốc tế, câu hỏi được đặt ra là: Đây có thực sự là một thành công cho EU, hay chỉ là sự thỏa hiệp trước sức ép từ một đối tác khó lường?

Thỏa thuận thương mại EU-Mỹ: Đàm phán thành công hay thỏa hiệp chiến lược?

Một bước lùi được gọi là thắng lợi?

Việc châu Âu đồng ý mức thuế 15%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,47% trước đây, đã giúp ngăn chặn lời đe dọa áp thuế 30% từ Tổng thống Donald Trump, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Rõ ràng, từ góc độ chiến thuật, đây là một thắng lợi: EU né tránh được viễn cảnh bị đánh thuế nặng hơn, đồng thời duy trì được phần lớn dòng chảy thương mại sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tiêu chuẩn “thành công” này lại dựa trên việc tránh được một kịch bản tồi tệ hơn, chứ không phải đạt được một kết quả tốt hơn hiện trạng.

Chỉ vài tháng trước, nhiều quốc gia thành viên EU từng cảnh báo rằng mức thuế 10% đã là một “lằn ranh đỏ”. Thế nhưng trong thực tế đàm phán, mức 15% lại được chấp nhận và thậm chí còn được công bố như một thỏa thuận mang tính đột phá. Điều này cho thấy sự chênh lệch về vị thế đàm phán: EU bước vào bàn đàm phán không phải với tư thế của một đối tác ngang hàng, mà với tâm thế tránh né tổn thất.

Một trong những điểm nhấn trong tuyên bố chung là cam kết của EU đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào Mỹ, và mua năng lượng Mỹ (dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu hạt nhân) trị giá 250 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm (theo CNBC). Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bản chất và tính ràng buộc của các cam kết này có vẻ còn mơ hồ.

Không rõ các con số trên phản ánh sự gia tăng thực sự so với mức đầu tư và nhập khẩu hiện có, hay chỉ đơn thuần là tái khẳng định các xu hướng hiện hành. Thêm vào đó, việc thiếu các chi tiết cụ thể về thời gian, hình thức đầu tư hay cơ chế giám sát khiến cho phần “được” của các bên trong thỏa thuận trở nên khó định lượng. Nếu những con số này chỉ mang tính biểu tượng hoặc được khai thác như một công cụ truyền thông chính trị, thì EU thực tế có thể đã đồng ý với một thỏa thuận không cân xứng: chịu nhượng bộ thực chất để đổi lấy cam kết mơ hồ.

Tác động kinh tế hai chiều

Từ phía Mỹ, mức thuế 15% có thể giúp tăng nguồn thu cho ngân sách liên bang và bảo hộ một số ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cái giá mà Mỹ phải trả cũng không hề nhỏ. Các biện pháp thuế quan thường gây ra hai hệ quả tiêu cực: tăng giá thành sản phẩm đối với người tiêu dùng và gây áp lực chi phí lên doanh nghiệp nội địa vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với EU, chi phí lớn nhất không chỉ nằm ở con số thuế quan cụ thể, mà ở thông điệp được gửi đi; rằng, EU sẵn sàng chấp nhận lùi bước để giữ gìn quan hệ thương mại song phương. Nếu các doanh nghiệp châu Âu lựa chọn đầu tư trực tiếp vào thị trường Mỹ thay vì xuất khẩu, thì thặng dư thương mại hàng hóa (đạt 198 tỷ euro năm trước) có thể giảm. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đồng nghĩa với việc thị trường nội địa EU bị suy yếu và sức mạnh sản xuất bị phân mảnh.

Rõ ràng, nghịch lý ở đây là: để giữ thị phần tại Mỹ, EU phải “chuyển dịch” chính mình đến Mỹ, làm giảm vai trò của EU như một trung tâm sản xuất toàn cầu; và điều này, về lâu dài, làm mờ đi ranh giới giữa hoạt động thương mại lành mạnh và sự nhượng bộ về chiến lược. Từ chỗ là một bên xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, EU có lẽ sẽ buộc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế để thích nghi với các điều kiện do Mỹ áp đặt.

Thỏa thuận thương mại EU-Mỹ: Đàm phán thành công hay thỏa hiệp chiến lược?

Một thỏa thuận ngắn hạn cho những thách thức dài hạn

Tổng thống Donald Trump được biết đến với phong cách đàm phán quyết liệt, thường sử dụng các biện pháp cứng rắn như công cụ gây áp lực nhằm thúc đẩy đối phương nhượng bộ. Trong quá trình đàm phán với EU, các mức thuế cao đã được đưa ra như một kịch bản có thể xảy ra, tạo nên không khí khẩn trương và định hình khuôn khổ thỏa thuận. Trong bối cảnh đó, mức thuế 15%, mặc dù vượt xa mặt bằng chung trước đây, nhưng dường như trở nên dễ chấp nhận hơn vì được đặt cạnh những mức thuế tiềm năng còn cao hơn nhiều.

Về phía EU, với vị thế là một trong những lực lượng chủ chốt của hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, nhiệm vụ không chỉ là bảo vệ lợi ích ngắn hạn của doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn là duy trì sự nhất quán với những nguyên tắc cốt lõi về tự do thương mại và công bằng thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng của khối trong trường hợp này phần nào cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa lời nói và hành động. Việc từng cảnh báo rằng mức thuế 10% là “ranh giới đỏ”, nhưng sau đó lại chấp nhận mức 15%, có thể gây ra hoài nghi về sự nhất quán trong thông điệp và khả năng bảo vệ lợi ích chung một cách dài hạn.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận đạt được có thể giúp hai bên “đình chiến” trong ngắn hạn, nhưng không giải quyết được những khác biệt mang tính cấu trúc. Những vấn đề lớn hơn như trợ cấp nông nghiệp, bảo hộ công nghệ, tiêu chuẩn môi trường và quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Khi những yếu tố này được đưa lên bàn đàm phán, EU sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn, đặc biệt nếu tiền lệ của thỏa thuận này bị lặp lại.

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU ngày 27/7 không chỉ đơn thuần là một điều chỉnh về thuế quan, mà phản ánh những thay đổi sâu sắc trong cách các nền kinh tế lớn tương tác với nhau trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Với việc tạm thời tránh được một cuộc đối đầu thương mại, cả hai bên đã “mua” thêm thời gian để định hình lại quan hệ kinh tế song phương và điều chỉnh các ưu tiên chiến lược.

Tuy vậy, thỏa thuận này cũng cho thấy những thách thức căn bản đang tồn tại trong hệ thống thương mại quốc tế: căng thẳng giữa chủ nghĩa bảo hộ và thương mại tự do, giữa các lợi ích ngắn hạn và định hướng dài hạn. Dù đạt được một số điểm đồng thuận, cả EU và Mỹ vẫn phải đối mặt với câu hỏi lớn hơn: làm thế nào để duy trì nguyên tắc trong khi vẫn linh hoạt ứng phó với những thay đổi chính trị và kinh tế ngày càng nhanh.

Cuối cùng, điều quyết định không nằm ở bản chất của thỏa thuận hiện tại, mà ở cách các bên sẽ vận dụng nó như một bước đệm để theo đuổi mục tiêu bền vững hơn. Trong thế giới đang ngày càng đa cực và bất định, sự minh bạch, nhất quán và thiện chí hợp tác từ mọi phía sẽ là yếu tố then chốt để định hình một môi trường thương mại công bằng và có thể dự đoán trong tương lai.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thoa-thuan-thuong-mai-eu-my-dam-phan-thanh-cong-hay-thoa-hiep-chien-luoc-256263.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm