Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thời cơ vàng để vùng đất ven sông bứt phá

Thành phố Hà Nội có hệ thống các sông Đà, Hồng, Đuống, Đáy chảy qua và có nhiều dư địa phát triển. Điển hình như khu ngoài đê dọc sông Hồng, sông Đuống có diện tích đất bãi màu mỡ lên tới 23.551ha.

Hà Nội MớiHà Nội Mới12/07/2025

Nguồn tài nguyên quý giá là vậy nhưng chưa được khai thác đúng mức do bị ràng buộc bởi các quy định chặt chẽ trong quản lý đê điều, thủy lợi, môi trường, đất đai…

Trước thực tế trên, chiều 9-7 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết cho phép khai thác quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi. Đây là quyết định mang tính đột phá, đánh thức tiềm năng vùng đất bãi ven sông, đồng thời phát triển nông nghiệp sinh thái và du lịch trải nghiệm ở Thủ đô.

Trên cơ sở Luật Thủ đô, nghị quyết được thông qua đã xác lập hành lang pháp lý rõ ràng cho việc sử dụng đất tại các bãi sông. Thay vì bỏ hoang, sử dụng tự phát hoặc thiếu kiểm soát, thành phố chủ động “mở khóa” tiềm năng những vùng đất vốn bị lãng quên bằng cách ban hành cơ chế sử dụng đất minh bạch. Trong đó, việc thành phố quy định rõ loại cây trồng phù hợp, giới hạn diện tích và đặc điểm công trình phụ trợ cho thấy tư duy quản lý đã thay đổi theo hướng hiện đại và bền vững.

Đáng chú ý, nghị quyết quy định ưu tiên phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm trên các khu đất từ 1ha trở lên; cho phép các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình phụ trợ, như khu xử lý môi trường, trưng bày sản phẩm, khu đón tiếp, vui chơi giải trí…, nhưng phải nằm ngoài hành lang thoát lũ và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đánh giá, đây là “làn gió mới” cho nông nghiệp công nghệ cao, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào vùng bãi sông. Ngoài ra, các bãi sông có cảnh quan thiên nhiên phong phú, hoàn toàn có thể trở thành “vành đai xanh” hấp dẫn, góp phần phân bổ lại dòng khách du lịch và tạo sinh kế cho người dân vùng ven đô.

Kỳ vọng lớn, nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức. Một số địa phương từng cho phép khai thác đất bãi nhưng quản lý lỏng lẻo để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng chảy, gây mất an toàn đê điều và tác động xấu đến môi trường.

Nghị quyết quy định rõ, công trình chỉ được tồn tại có thời hạn, không sử dụng để ở, không được chứa hóa chất độc hại. Người sử dụng đất phải có phương án bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và cam kết khôi phục đất về trạng thái ban đầu khi hết thời hạn sử dụng. UBND cấp xã, phường giữ vai trò thẩm định, gia hạn và giám sát việc sử dụng đất, trong khi các cơ quan chuyên ngành chịu trách nhiệm xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Việc giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh sẽ là “chìa khóa” để bảo vệ mục tiêu ban đầu và tránh bị biến tướng trong thực tế.

Vùng đất ven sông nếu được khai thác hiệu quả sẽ trở thành vùng đệm sinh thái, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để thời cơ này không trôi qua trong lãng phí, điều quan trọng là hành động đồng bộ. Theo đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức nắm vững các quy định sử dụng đất; xây dựng cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các sở, ngành, địa phương để thủ tục hành chính nhanh gọn, minh bạch. Cùng với đó là lựa chọn một số khu đất tiêu biểu để xây dựng mô hình điểm rồi nhân rộng ra các vùng bãi khác, góp phần hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp xanh ven đô.

Có thể thấy, nghị quyết mới của HĐND thành phố Hà Nội được thông qua, không chỉ là chính sách mang tính cải cách, mà còn là “cú hích” chiến lược giúp khơi dậy tiềm năng, đồng thời là thời cơ vàng để các vùng đất bãi ven sông bứt phá.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/thoi-co-vang-de-vung-dat-ven-song-but-pha-708947.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm