Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp sức cho những thử nghiệm sân khấu của người trẻ

Mang đến một không gian hoàn toàn mở, dự án Tân hậu trường (New Backstage) mang đến những tiếng nói mới trong nghệ thuật biểu diễn và kịch nghệ đương đại nước nhà.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân26/05/2025

Những khởi đầu dũng cảm

Trong một căn phòng chung cư nhỏ, bốn diễn viên cùng ngồi chờ đạo diễn. Trước mặt họ là một kịch bản mới hoàn toàn chưa được chỉ dẫn. Trong lúc chờ đợi, họ đọc qua lời thoại, chia sẻ về cuộc sống riêng, rồi cùng nhau diễn thử và bị cuốn vào câu hỏi “Tại sao chúng ta lại ở đây?” - cả khi là nhân vật hay khi là chính mình. Câu hỏi đầy suy tư ấy về giá trị của sự tồn tại luôn vẳng lên đâu đó trong tâm trí mỗi người cũng chính là tên gọi của tác phẩm sân khấu thuộc dự án Tân hậu trường vừa được ra mắt cuối tháng 4/2025.

Tác phẩm do Duy Vũ viết và đạo diễn, lấy cảm hứng từ chính hành trình luyện tập của lớp diễn xuất tại Xí nghiệp điện ảnh Thăng Long. Không có cốt truyện rõ ràng, cũng không có cao trào, kịch tính, vở diễn kéo dài hai tiếng đồng hồ chỉ là những trò chuyện không đầu, không cuối giữa các diễn viên, nhưng vẫn đủ sức níu người xem lắng lại và suy ngẫm…

Vận hành từ giữa năm 2024, Tân hậu trường là dự án phi lợi nhuận được khởi xướng và dẫn dắt bởi XplusX Studio - không gian sáng tạo độc lập do đạo diễn Hà Nguyên Long sáng lập. Dự án có sự đồng hành của Viện Goethe Hà Nội và Manzi Art Space, với mục tiêu khuyến khích những nhóm sáng tạo sân khấu trẻ mạnh dạn thực hiện những thử nghiệm cho tác phẩm đầu tay.

Trước “Tại sao chúng ta lại ở đây?”, Tân hậu trường đã ra mắt “Người gối” - tác phẩm mở màn của dự án. Vở diễn do gương mặt trẻ triển vọng Bùi Thạc Phong đạo diễn, dựa trên kịch bản nổi tiếng “The Pillowman” của đạo diễn, biên kịch người Ireland Martin McDonagh. Với phong cách tối giản nhưng táo bạo, “Người gối” đưa khán giả đến với những cuộc đối thoại đầy giằng co giữa một bên là các thanh tra và một bên là những kẻ bị bắt, trong một không gian vừa là phòng thẩm vấn, vừa là nhà ngục, cũng là pháp trường, để từ đó gợi lên những chất vấn đầy ám ảnh về ranh giới giữa đạo đức và niềm tin, giữa thực và hư, giữa tưởng tượng và trách nhiệm xã hội…

Nếu “Tại sao chúng ta lại ở đây?” là sáng tác kịch mới mang đến những suy tưởng mở, thì “Người gối” lại là một chuyển thể sân khấu đầy thách thức và kịch tính. Đi theo những hướng tiếp cận khác biệt nhưng hai tác phẩm đều gặp nhau ở khát vọng tìm tòi và tinh thần “dấn thân” khai phá những cách tân sân khấu. Không chỉ thể hiện cách nhìn mới của những người trẻ thực hành nghệ thuật, các tác phẩm còn là sự phản ánh, phản hồi với những vấn đề xã hội hôm nay. Đó cũng chính là các tiêu chí để Tân hậu trường lựa chọn những đề xuất ý tưởng phù hợp và hỗ trợ hiện thực hóa. Theo đạo diễn Hà Nguyên Long, đây chính là cách để “kích thích những sáng tạo của tương lai, đồng thời giúp các nghệ sĩ trẻ nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong dòng chảy chung của thời đại”.

Nâng đỡ những thực hành nghệ thuật mới

Nói về lý do thực hiện Tân hậu trường, đạo diễn Hà Nguyên Long cho biết, là một người thực hành sân khấu độc lập, anh luôn nóng lòng được lắng nghe những tiếng nói nghệ thuật mới của các đồng nghiệp trẻ. Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, chàng đạo diễn sinh năm 1990 nhận thấy, hệ sinh thái thực hành sân khấu hiện nay, đặc biệt tại Hà Nội vẫn chủ yếu tập trung ở thiết chế công lập. Cơ hội để các nghệ sĩ độc lập có thể đồng hành cùng các đơn vị công lập trong tạo dựng tác phẩm chưa nhiều, cũng chưa có nền tảng chính sách rõ ràng, dù trên thực tế nhu cầu được kết nối, phối hợp giữa hai bên rất lớn.

Trong khi đó, khác với các môn nghệ thuật nặng tính cá nhân như hội họa, sân khấu là bộ môn liên ngành cần nhiều điều kiện sản xuất phong phú, với đòi hỏi về thời gian, nhân lực, vật lực khác nhau. Do vậy, khó khăn lớn nhất với người trẻ khi bắt đầu thực hiện một tác phẩm sân khấu thường là cảm giác bơ vơ không biết đồng hành cùng ai. “Thiếu đi sự thực hành trong các giai đoạn đầu của sự nghiệp có thể khiến các bạn nản chí hoặc đi tìm những cách biểu đạt khác. Đây là điều đáng tiếc không chỉ cho các bạn mà còn cho nghệ thuật sân khấu và khán giả nói chung. Tân hậu trường được khởi xướng vì thế”, Hà Nguyên Long chia sẻ.

Được đào tạo bài bản để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng bên cạnh tình yêu hội họa, Hà Nguyên Long còn có đam mê đặc biệt dành cho sân khấu. Với anh, mỗi bức tranh là một khung cảnh sân khấu được ghi lại trong khoảnh khắc, một tác phẩm sân khấu chính là tập hợp của những bức tranh phái sinh cùng chủ đề trong một khoảng thời gian. Mang theo tư duy ấy, Hà Nguyên Long đã cùng XplusX Studio dàn dựng nhiều tác phẩm sân khấu gây ấn tượng mạnh với những đột phá sáng tạo, như: “Sơn Hậu-Beyond The Mountain”, “Antigone-Âm mù”, “Giấc mơ tạo nghĩa”…

Tuy nhiên, khác với các dự án nghệ thuật trước đây vốn hướng đến dàn dựng các tác phẩm riêng biệt và mở rộng trải nghiệm của khán giả, Tân hậu trường tập trung phát triển kỹ năng trực tiếp cho lớp nghệ sĩ thực hành sân khấu mới, tạo ra một sân chơi đủ cởi mở để các nghệ sĩ trẻ tự tin cất lên những tiếng nói đầu tiên trong hành trình nghệ thuật của mình.

Ở đó, XplusX Studio hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, kỹ thuật trong suốt quá trình hoàn thiện kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu, kết nối với các nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo…Manzi Art Space cung cấp địa điểm, hỗ trợ các yêu cầu về hậu cần, phụ trách hoạt động tổ chức, truyền thông cho sự kiện công diễn. Viện Goethe Hà Nội giới thiệu, cung cấp các cơ hội phát triển, các chương trình trao đổi, đào tạo thông qua mạng lưới các tổ chức văn hóa-giáo dục đối tác và các quỹ hỗ trợ nghệ thuật quốc tế.

Đặc biệt, những ý tưởng được tuyển chọn cũng nhận được một khoản hỗ trợ trực tiếp về kinh phí sản xuất. Ngoài ra, Tân hậu trường còn tổ chức các chuỗi hoạt động workshop vệ tinh với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sáng tạo sân khấu, từ đó giúp nâng cao hiểu biết, làm phong phú hơn kiến thức nền và kiến thức thực hành trực quan cho các nghệ sĩ trẻ.

Hướng đến tạo dựng một hệ sinh thái có mối liên hệ mật thiết, liên tục, rõ ràng và tích cực giữa các nhà sáng tạo độc lập trẻ và các cộng đồng thực hành sân khấu khác như các nhà hát, trường đại học nghệ thuật, viện nghiên cứu văn hóa…, Tân hậu trường mong muốn có thể triển khai dài hơi, trở thành nơi để các nghệ sĩ trẻ luôn sẵn sàng giãi bày và háo hức tạo ra những điều có ý nghĩa cho sân khấu, kịch nghệ Việt Nam.

Sắp tới, dự án sẽ tiếp tục giới thiệu hai tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Tố Diệp và đạo diễn Hiếu Trần trong tháng 7 và tháng 9/2025. Tân hậu trường dự kiến sẽ tổ chức một buổi diễn bao gồm trích đoạn các đề xuất không được chọn hỗ trợ trong năm nay, để khuyến khích các nghệ sĩ tiếp nối tư duy và quá trình sáng tạo, từ đó có thể mở ra những đồng hành khả dĩ trong năm tới.

Nguồn: https://nhandan.vn/tiep-suc-cho-nhung-thu-nghiem-san-khau-cua-nguoi-tre-post882327.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm