Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, nâng cao nhận thức, quyết tâm, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin, khí thế mới trong xã hội.
Theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 là chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã triển khai thí điểm chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị. Khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, tinh thần triển khai mạnh mẽ hơn, chuyển đổi số trở thành phong trào rộng khắp trong các ban, ngành, địa phương.
Quận Tây Hồ là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, Quận ủy Tây Hồ ban hành Kế hoạch số 142-KH/QU ngày 3/4/2023 thực hiện chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; huy động nguồn lực tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo thế và lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Mục tiêu trong năm 2025, các đơn vị trên địa bàn quận có nền tảng dữ liệu số được sử dụng toàn diện trong mọi hoạt động của chính quyền; 100% các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 80% số người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet phủ sóng đến 90% số hộ gia đình. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 50%; triển khai 80% mô hình quản trị số trong các cơ sở giáo dục. Cấp ủy chỉ đạo, quy trình quản lý, điều hành của chính quyền được số hóa, liên thông, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng, thông suốt. Tất cả các phòng, ban giải quyết công việc trên nền tảng số, sử dụng chữ ký số. Thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, miễn phí cho người dân…
Theo Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến, các phường đều xác định nhiệm vụ ưu tiên là nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, dễ tiếp cận với mọi đối tượng; vận động các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tiếp tục chương trình trợ giá, tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn mua điện thoại thông minh; tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho người dân trên địa bàn; phát động phong trào thi đua trong cộng đồng dân cư, tổ dân phố.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng đề án sáp nhập các phường, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đã thiết lập kênh giao tiếp số với người dân, cài đặt ứng dụng Công dân số Thủ đô-iHanoi, hệ thống Zalo được mở rộng đến từng khu dân cư kịp thời ghi nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân. Các cuộc họp tổ chức trực tuyến, nhờ có chuyển đổi số, chỉ trong hai ngày, quận đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về phương án tổ chức lại thành hai đơn vị hành chính cấp phường là Tây Hồ và Phú Thượng, với tỷ lệ đồng thuận đạt 99,2%.
Năm 2024, phường Xuân La là đơn vị xuất sắc nhất của quận Tây Hồ về cải cách hành chính và chuyển đổi số. Phường có hơn 8.000 hộ dân, khoảng 30.000 nhân khẩu. Phát huy tinh thần gương mẫu của khoảng 1.200 đảng viên sinh hoạt trên địa bàn, Đảng ủy phường Xuân La đã thành lập Ban chuyển đổi số, giao nhiệm vụ cho bí thư chi bộ các tổ dân phố, thành lập 17 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 116 thành viên tập trung triển khai số hóa trên địa bàn dân cư.
Đồng chí Trần Duy Tân, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 12 cho biết: “Thời gian đầu, một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỏ ý chưa đồng thuận sử dụng điện thoại thông minh và tham gia các nhóm Zalo tổ dân phố. Các đồng chí lãnh đạo phường ngoài giờ làm việc đã cùng bí thư chi bộ, các đoàn thể, công an phường chia thành từng nhóm đi từng ngõ, gõ từng nhà, ngày đêm miệt mài hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công nghệ. Nỗ lực suốt trong 15 ngày, phần lớn người dân đã thay đổi nhận thức, đồng thuận, cài đặt một số ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh.
Hiện nay, người dân từ 15-60 tuổi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tại nhà; đội ngũ hưu trí nhận lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua chuyển khoản…”. Bày tỏ sự hài lòng khi sử dụng những ứng dụng của công nghệ số, ông Trần Văn Môn, tổ dân phố số 5 cho biết: “Công nghệ số gắn liền với quyền lợi của người dân vì giải quyết công việc nhanh chóng, đỡ mất thời gian đi lại, ở nhà dùng điện thoại xử lý được nhiều việc”.
Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-tu-moi-to-chuc-co-so-dang-dang-vien-post882325.html
Bình luận (0)