Trang chủThừa Thiên - HuếThời sựTiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động...

Tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động giãn việc, mất việc


Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh, từ tháng 9/2022 xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình họ.

Trước tình hình trên, nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động, ngày 16/1/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ).

Theo đó, các cấp công đoàn dành nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ một lần bằng tiền mặt cho đoàn viên và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã (doanh nghiệp) có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023. Mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.

Thường trực Đoàn Chủ tịch cũng đã ban hành Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ để triển khai Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT.

Tính đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận là 86.528 người; số trường hợp đã thẩm định đủ điều kiện, duyệt và hoàn thành chi hỗ trợ là 81.676 người, chiếm 94,39% tổng số trường hợp đã tiếp nhận; tổng số đoàn viên được hỗ trợ 80.042 người, chiếm 98% tổng số người được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ hơn 114,525 tỉ đồng.

Chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng là chính sách hết sức ý nghĩa, được ban hành kịp thời của tổ chức công đoàn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhiều đoàn viên, người lao động chịu tác động tiêu cực về việc làm, giảm sút về tiền lương, thu nhập.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 509.903 người lao động mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.

Số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022 (363.444 người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 337.432 người, giảm 0,91% so cùng kỳ năm 2022 (340.538 người); mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người mỗi tháng.

Về ngành nghề, số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.

Tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, đã có 192.000 người bị giảm, mất việc. Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương chiếm 32,45%; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương chiếm 1,77%, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 65,78% tổng số người.

Tổng LĐLĐVN dự báo tình hình thời gian tới thị trường lao động 6 tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga-Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Dự báo tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.

Căn cứ tình hình thực tế, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ.

Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2024.

Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024 (do trùng với Tết Nguyên đán nên cần thêm thời gian giải quyết hồ sơ).

Giữ nguyên các quy định về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ và các quy định khác… Tổng kinh phí dự kiến là khoảng 145 tỉ đồng.



Nguồn

Tin cùng chuyên mục

Họp báo Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào 2023” tại Thừa Thiên Huế

Năm 2023 đánh dấu 61 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Lào. Mối quan hệ Việt - Lào đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt. Quan hệ chính trị giữa...

Tiếp tục các giải pháp đồng bộ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế

Thông báo nêu rõ, ngày 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô,...

Tháo gỡ vướng mắc của cử tri

Là một trong những hộ dân sinh sống lâu năm gần khu vực hồ Trái Tim thuộc phường An Đông, TP. Huế, ông Nguyễn Minh bức xúc khi nhiều hộ dân xây nhà và các công trình lấn...

Xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở

Nhân lên ý thức, trách nhiệm Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1995), Chi hội phó tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy không chỉ được biết đến là một cán bộ phụ nữ trẻ vươn lên...

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự có các ĐBQH: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh...

Tin mới nhất