Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Văn học, Viện Sử học, các trường Đại học… lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Hội Khoa học lịch sử tỉnh; Hội Di sản tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt. Vùng đất địa linh này đã hun đúc, sinh ra bao đấng hào kiệt, danh nhân cho nước Việt: Đinh Tiên Hoàng Đế và tứ trụ triều đình nhà Đinh (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ), Quốc sư Nguyễn Minh Không, danh nhân văn hóa Thái phó Trương Hán Siêu, Thượng thư Ninh Tốn, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, danh nhân Phạm Thận Duật, chiến sĩ cộng sản Tạ Uyên…
Trong đó, danh nhân Thái phó Trương Hán Siêu có vị trí đặc biệt quan trọng. Thái phó Trương Hán Siêu là danh nhân văn hóa tiêu biểu của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, một chứng nhân rõ rệt cho truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất văn vật này. Ông cũng là một nhân vật có tầm thước cả nước, một người con ưu tú của văn hóa Đại Việt dưới triều đại Trần. Ông xứng đáng được xếp vào hàng danh nhân tôn vinh ở Văn miếu Quốc Tử Giám như nhà Trần đã từng “liệt hạng” xưa kia.
Do hoàn cảnh lịch sử, tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Thái phó Trương Hán Siêu còn chưa nhiều, chưa thật đầy đủ. Vì vậy,Hội thảo có ý nghĩa quan trọng - là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu làm sáng rõ thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu; đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của Thái phó Trương Hán Siêu về văn hóa, lịch sử… trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ, kế thừa, phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa liên quan đến Thái phó Trương Hán Siêu trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng hiện nay.
Thông qua Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống của địa phương, làm sâu sắc thêm lòng tự hào, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Dự Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận: Trương Hán Siêu và sự dung hợp Nho-Phật-Đạo (TS. Đinh Văn Viễn); Tìm lời giải cho những vấn đề còn tồn nghi trong cuộc đời và sự nghiệp của Thái phó Trần triều Trương Hán Siêu (Trương Đình Tưởng); Danh thần Trương Hán Siêu với việc trấn giữ biên cương 2 miền địa đầu tổ quốc (TS.Bùi Văn Huỳnh);Tư tưởng sự nghiệp chính trị và quân sự của Trương Hán Siêu…
Các tham luận tại Hội thảo cũng như các ý kiến trao đổi, chất vấn đều tập trung làm rõ vai trò, thân thế, sự nghiệp, những công lao, dấu ấn cũng như đóng góp to lớn của Trương Hán Siêu trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đặc biệt làm rõ vai trò và những đóng góp của Thái phó Trương Hán Siêu với triều Trần, với nền văn hoá Đại Việt và với xã hội đương đại, thể hiện ở bốn phương diện chính đó là:Vai trò của Thái phó Trương Hán Siêu trong dòng chảy lịch sử, văn học, văn hoá cũng như giá trị di sản lịch sử, văn hoá liên quan đến Thái phó Trương Hán Siêu trong xã hội đương đại; đồng thời nêunhững kiến nghị, gợi ý về các ý tưởng nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản Núi Dục Thúy gắn với nhân vật lịch sử Trương Hán Siêu.
Bế mạc Hội thảo,đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìnkhẳng định: Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu” đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra.Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận gần 40 bài báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương. Đây là khối lượng tham luận đồ sộ đối với một Hội thảo khoa học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với vấn đề mà Hội thảo đặt ra.
Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến phát biểu trao đổi,từ nhiều lĩnh vực và với những cách tiếp cận khác nhau nhưng các tham luận đều tập trung vào những vấn đề chính gắn với chủ đề Hội thảo, đó là: Thân thế, sự nghiệp của Thái phó Trương Hán Siêu; Phân tích, đánh giá những đóng góp, di sản của Thái phó Trương Hán Siêu đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam; Đề xuất phương hướng, giải pháp kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Thái phó Trương Hán Siêu trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng rõ thêm thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu; đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của Thái phó Trương Hán Siêu về văn hóa, lịch sử… trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ, kế thừa, phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa liên quan đến Thái phó Trương Hán Siêu trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh hiện nay.
Hội thảo có ý nghĩa cung cấp cứ liệu, cơ sở khoa học cho các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý của tỉnh hiểu rõ hơn, đánh giá chính xác vai trò, tầm vóc của nhân vật lịch sử Trương Hán Siêu, từ đó có những giải pháp hợp lý nhằm khai thác những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạch định các chính sách, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, khai thác, phát triển, tôn vinh các di sản văn hóa của tỉnh.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-than-the-su-nghiep-thai-pho-100753.htm
Bình luận (0)