Nhiều liệt sĩ còn nằm lại
Khi 22 tuổi, ông Nguyễn Trọng Xuân tham gia kháng chiến chống Pháp. Đến tháng 4/1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào những giai đoạn cam go nhất, ông Xuân tái ngũ.
Qua những lá thư thưa thớt gửi về gia đình ở thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (Hải Dương), người thân biết ông là thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48.
Trong giấy báo tử đề ngày 24/2/1969 gửi về gia đình cũng thể hiện thông tin này, nhưng chỉ ghi: liệt sĩ Nguyễn Trọng Xuân đã hy sinh ngày 10/5/1968 tại mặt trận phía Nam, Quân khu 4, thi hài được mai táng tại đây...
Từ những thông tin ít ỏi trong những lá thư, người thân xác định ông tham gia Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh. Song đã 57 năm trôi qua, dù tìm kiếm bằng nhiều nguồn thông tin, nhưng gia đình chưa thể xác định được liệt sĩ Nguyễn Trọng Xuân nằm ở nơi nào, giữa mênh mông của núi rừng Hướng Hóa.
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, tại sân bay Tà Cơn, chúng tôi tình cờ gặp cựu chiến binh Bùi Minh Thuyên, quê gốc Thái Bình, hiện ở Sơn La. Ông Thuyên sinh năm 1948, thuộc Sư đoàn 304 tác chiến tại Trị Thiên. Ông là lính Thành Cổ, hiện giờ tham gia trong nhóm hỗ trợ tìm thông tin liệt sĩ. Ông Thuyên đã tìm được 32 liệt sĩ cho các gia đình. Ông cho biết, trong Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh, ta và đối phương đều tập trung hỏa lực mạnh, tác chiến trong vùng rừng núi hiểm trở, vì thế việc tìm kiếm thông tin, quy tập liệt sĩ hết sức khó khăn. Nhiều liệt sĩ đến giờ vẫn mãi mãi ở lại với mảnh đất này.
Là thế hệ sau, vào Quảng Trị tiếp quản Hướng Hóa khi Khe Sanh đã hoàn toàn giải phóng, nhưng ông Lê Xuân Thọ (sinh năm 1955, cựu chiến binh phường Thanh Bình, TP Hải Dương) vẫn vẹn nguyên hình ảnh cả một vùng đồi núi hoang tàn dưới sức công phá của hàng ngàn tấn bom.
Ông Thọ khi đó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Binh chủng Thông tin, chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển công văn, tài liệu. "Khi ấy Hướng Hóa đã giải phóng nhưng vẫn là rừng thiêng, nước độc. Tiếng chim, thú cũng không có vì đạn pháo đuổi hết đi rồi. May mắn lắm mới gặp được đồng bào Vân Kiều đi qua. Ngã ba Khe Sanh đổ nát. Sốt rét ác tính hành hạ. Chúng tôi vào đó thì đã giải phóng, nhưng cuộc sống còn như thế, thì mới biết trong chiến dịch các anh đã phải chiến đấu ác liệt và sinh sống thiếu thốn thế nào", ông Lê Xuân Thọ kể.
Đòn nghi binh chiến lược của Quân giải phóng
Thị trấn Khe Sanh nằm ở trung tâm huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nếu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, người Pháp đã lập cứ điểm để kéo Việt Minh lên lòng chảo Điện Biên, thì năm 1968, với vị trí chiến lược và đưa người Mỹ vào thế nghi binh cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân 1968, ta đã buộc người Mỹ tìm đến Khe Sanh.
Khe Sanh có một vị trí cực kỳ quan trọng khi nằm án ngữ trên đường 9 - con đường chiến lược ở cực bắc của miền Nam Việt Nam, con đường dẫn sang Lào và dẫn tới đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Từ cuối năm 1967, Mỹ đánh giá ta chưa đủ khả năng đánh lớn. Để nghi binh khiến người Mỹ tin vào sự đánh giá đó, Bộ Tổng Tham mưu đã dự thảo kế hoạch nghi binh chiến lược phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy, đồng thời xây dựng một loạt kế hoạch nghi binh của cả Trung ương và địa phương, có sự phối hợp với các cơ quan tình báo, ngoại giao, báo chí, đài phát thanh.
Ở hướng đường 9, ta dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, phân tán lực lượng, giam chân, tiêu diệt địch. Phong tỏa cảng Cửa Việt, tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài như Hướng Hóa, Huội San, Cam Lộ… nhằm cô lập quân Mỹ ở Khe Sanh. Thực tế chiến dịch đã diễn ra và đạt được ý định của ta. Quân giải phóng đã kéo được các đơn vị cơ động mạnh, bao gồm toàn bộ Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận, hầu hết lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, Lữ đoàn 3 nhày dù quân đội Sài Gòn, đánh cho chúng thiệt hại nặng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tổng tiến công và nổi dậy ở đô thị.
Để thực hiện quyết tâm chiến dịch, ta sử dụng một lực lượng lớn quân chủ lực gồm các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324, 325, các trung đoàn, tiểu đoàn địa phương, đại đội đặc công, phòng không, trinh sát, xe tăng, hóa học, công binh, phun lửa... Đây là lần đầu tiên ta tổ chức chiến dịch hiệp đồng có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều binh chủng, tác chiến trên một địa bàn rộng lớn.
Phía bên kia, cuối năm 1967, đầu 1968, trên tuyến đường 9 từ Cửa Việt đến Lao Bảo, người Mỹ tập trung tới 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ, có ưu thế tuyệt đối về binh chủng kỹ thuật, nhất là không quân và thiết giáp.
Cùng với đòn tiến công quân sự vào hệ thống phòng thủ của địch ở khu vực Đường 9 - Khe Sanh, các cơ quan báo chí, phát thanh của ta hạn chế tuyên truyền về những trận đánh trong đô thị miền Nam, tập trung tuyên truyền về đường 9 - Khe Sanh. Chính vì vậy, chiến sự ở Khe Sanh đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của truyền thông và công chúng Mỹ.
Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của chính trường và cả nước Mỹ thì ta đồng loạt tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Mặt trận Khe Sanh đã hoàn thành nhiệm vụ làm cho Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải phân tán lực lượng và bị bất ngờ về hướng tiến công chiến lược của ta trong xuân - hè 1968.
Kết thúc chiến dịch, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên địch, bắn rơi 197 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe quân sự, 46 pháo, cối; phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ đường 9 của địch; giải phóng huyện Hướng Hoá... Quân Mỹ và quân Sài Gòn phải rút bỏ một vị trí chiến lược trọng yếu trên tuyến phòng thủ đường số 9.
Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên đã đánh giá: Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh cùng với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trên khắp các đô thị miền Nam đã làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta phát triển lên bước cao hơn, tiến tới đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau 170 ngày đêm tiến công, vây hãm và đánh đuổi quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh, ngày 9/7/1968, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng.
Khe Sanh - chứng tích về sự thất bại nặng nề của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày nay đã phát triển vượt bậc. Đường 9 - con đường huyền thoại đã trở thành con đường xuyên Á trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Khe Sanh đã viết lên một bản anh hùng ca bất diệt về ý chí, sự quả cảm của những con người "chân trần, chí thép" với một bên có những vũ khí, khí tài tối tân bậc nhất địa cầu. Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Bài 3: Đất Huế kiên cường xuân 68
TIẾN HUYNguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-2-tien-cong-vay-ham-hoan-toan-giai-phong-khe-sanh-409852.html
Bình luận (0)