Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cam Phước Tây được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm. |
Năm 2021, gia đình bà Cao Thị Ngạnh (thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm cho vay ưu đãi 50 triệu đồng. Từ số tiền này, gia đình bà đã đầu tư cho vườn xoài và chăn nuôi bò, mang lại thu nhập ổn định gần 40 triệu đồng/năm. Một phần trả nợ ngân hàng, một phần bà dành dụm tiếp tục đầu tư sản xuất. Dự kiến, đến tháng 7-2025, gia đình sẽ trả hết khoản vay.
Trước đây, gia đình chị Cao Thị Oanh (thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) thuộc diện hộ nghèo. Chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Cam Lâm để đầu tư nuôi bò, trồng điều. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, đến nay, đàn bò ngày càng phát triển, vườn điều đã bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, đảm bảo đóng lãi và gửi tiết kiệm cho ngân hàng.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Cam Lâm, những năm qua, người dân vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn huyện Cam Lâm đã tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai như: Chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... giúp giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam lâm trao đổi với chị Cao Thị Oanh (giữa). |
Bà Nguyễn Thị Phước Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết. "Thôn Văn Sơn là thôn đặc biệt khó khăn, có 323 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu, chủ yếu là ĐBDTTS sinh sống. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Cam Lâm, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 3 hộ nghèo, chiếm 0,14%; thu nhập bình quân của ĐBDTTS trên địa bàn xã là 30 triệu đồng/người/năm; các hộ đều có nhà ở ổn định. UBND xã cũng chỉ đạo cho các tổ, hội thường xuyên theo dõi, giúp đỡ hộ vay để sử dụng số tiền vay đúng mục đích, hiệu quả".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nghiệm - Giám đốc NHCSXH huyện Cam Lâm thông tin, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 3-2025, tổng nguồn vốn cho vay vùng ĐBDTTS trên địa bàn huyện đạt 51,5 tỷ đồng, bình quân gần 48 triệu đồng/hộ; chất lượng tín dụng được đảm bảo, không có số nợ quá hạn cho thấy ý thức trả nợ vốn vay của người dân rất tốt. “Chúng tôi đã tạo thuận lợi nhất để ĐBDTTS trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, giúp người dân phát huy nội lực để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông nghiệm nói.
Tổ vay vốn hướng dẫn cho đồng bào DTTS vay vốn tại xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm. |
Ông Đỗ Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm thay đổi căn bản nhận thức của ĐBDTTS. Người dân đã mạnh dạn vay vốn làm ăn có hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa các thôn có đông ĐBDTTS với các thôn khác ở địa phương.
MÃ PHƯƠNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202505/tro-luc-chodong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-05b44be/
Bình luận (0)