Bà Lê Thị Thu (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) cùng các đại biểu tặng quà cho các nữ cựu tù kháng chiến tiêu biểu
Bà Lê Thị Thu (bí danh Út Hường) sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, mới 12 tuổi, bà đã là giao liên của má - cũng là chiến sĩ cách mạng. Năm 1963, bà tham gia phong trào học sinh - phật tử chống chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Đầu năm 1965, bà thoát ly vào chiến khu, công tác ở Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định.
Đến năm 1966, bà hoạt động ở nội thành Sài Gòn, làm thư ký cho đồng chí Lê Thị Riêng và tham gia vào các phong trào đấu tranh công khai do Ban Phụ vận lãnh đạo. Năm 1968, bà làm Tổ trưởng Tổ võ trang tuyên truyền và bị giặc bắt.
Sau 3 năm bị giam giữ, đến năm 1971, bà được tự do. Năm 1973, bà trở lại hoạt động ở Sài Gòn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bà được đơn vị phân công cùng 2 đảng viên khác phụ trách khởi nghĩa từ ngã sáu Sài Gòn đến Bến Thành và vùng phụ cận.
“Ở trong tù, địch tra tấn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng tôi luôn ghi nhớ trọng trách mà Đảng giao cho. Hồi mình vào Đảng mình đã thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… cho nên dù phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nào mình cũng vượt qua” - bà Lê Thị Thu kể.
Trưởng thành từ phong trào phụ nữ (PN), sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Lê Thị Thu đảm nhiệm nhiều vị trí: Chủ tịch Hội Liên hiệp PN quận 3, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp PN TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp PN Việt Nam (1997-2002). Được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (2002-2007) là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của bà.
Bà cho hay, đối với những chiến sĩ cách mạng ở tù ra, sức khỏe đều suy yếu. Bà lúc đó chân đi lại khó khăn, kinh tế eo hẹp, con lại còn nhỏ,… Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bà kiên trì rèn luyện sức khỏe cũng như không ngừng học tập kinh nghiệm của những người đi trước để làm tốt công việc chuyên môn, phục vụ đất nước.
Bà Lê Thị Thu kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng
Bà chia sẻ: “Trong cuộc đời tham gia cách mạng của mình, tôi có 2 thử thách rất lớn mà bản thân đã vượt qua. Thứ nhất là khoảng thời gian ở tù, giữ được khí tiết của người cộng sản. Thứ hai là khi Đảng, Nhà nước phân công tôi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Tôi có nhiều năm công tác ở Hội PN nên khi chuyển qua công tác bên chính quyền gặp nhiều khó khăn, do lúc này đúng thời điểm sáp nhập Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em”.
Với góc nhìn của một người PN, tấm lòng của một người mẹ và sự đoàn kết của cả đơn vị, bà Lê Thị Thu đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác quản lý dân số, bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bà cho hay: “Về công tác dân số, với những chính sách quyết liệt, nước ta đề ra mục tiêu mỗi gia đình có 2 con để đạt được mức sinh thay thế và đến năm 2005 đã hoàn thành. Về chất lượng dân số, giai đoạn đó, chúng ta đã xây dựng được chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh. Đến nay, chương trình này vẫn được triển khai. Về vấn đề trẻ em, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. 100% thành viên Chính phủ đã biểu quyết đồng ý trình chính sách này ra Quốc hội trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Lúc đó, tôi mừng đến phát khóc”.
Năm 2008, bà nghỉ hưu và tham gia vào Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với chức danh là Phó Chủ tịch, Trưởng Cơ quan thường trực phía Nam. Hiện nay, bà vừa làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối PN TP.Hồ Chí Minh, vừa là Trưởng ban Liên lạc Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của tổ chức Hội Liên hiệp PN TP.Hồ Chí Minh).
Gần 80 tuổi, sống gần hết đời người, bà vô cùng xúc động, tự hào khi mình đã góp công sức - mà theo lời tâm sự có phần khiêm tốn của bà - là “chút sức mọn” để 5 chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 được vinh danh vào tháng 02/2025.
Bà nhớ lại, quá trình làm hồ sơ để trao bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận liệt sĩ là vô cùng khó khăn khi họ không rõ tên tuổi, quê quán,… “Hành trình gian nan nhưng sau 57 năm, các đồng đội của tôi đã được gọi tên. Tôi vừa vui mừng, vừa xúc động. Cũng coi như tôi hoàn thành được trách nhiệm của mình với đồng đội” - bà Lê Thị Thu nói./.
Thanh Nga
Nguồn: https://baolongan.vn/tron-doi-giu-vung-khi-tiet-nguoi-cong-san-a199173.html
Bình luận (0)