Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trường cao đẳng ‘hụt hơi’ tài chính, giảng viên bị nợ lương, tiền dạy vượt giờ

Hàng chục giảng viên Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi nhiều năm liền bị nợ tiền dạy vượt giờ, phụ cấp và gần đây là nợ lương, trong khi nhà trường chật vật với bài toán tự chủ tài chính.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên26/07/2025

Tình trạng nợ lương, tiền dạy vượt giờ và phụ cấp tại Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi đang gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giảng viên. Nhiều người cho biết họ bị nợ liên tục suốt từ năm học 2015 - 2016 đến nay, bất chấp việc đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan chức năng.

Nợ kéo dài, giảng viên kêu cứu

Một giảng viên (xin giấu tên) đang công tác tại Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi chia sẻ: "Có năm chúng tôi không được trả bất kỳ khoản dạy vượt giờ nào. Gần đây, lương chính thức và các khoản phụ cấp cũng bắt đầu bị chậm nhiều tháng".

Theo phản ánh của tập thể giảng viên, họ đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo nhà trường chi trả dứt điểm các khoản nợ dạy vượt giờ giai đoạn 2015 - 2018 và 2020 - 2021, nhưng đến nay việc chi trả vẫn chưa được thực hiện.

Trường cao đẳng ‘hụt hơi’ tài chính, giảng viên bị nợ lương, tiền dạy vượt giờ - Ảnh 1.

Bên trong Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi

ẢNH: P.A

Đáng chú ý, các giảng viên cho rằng việc chi trả cũng thiếu công bằng. Cụ thể, những người thỉnh giảng từ nơi khác với số tiết ít lại được thanh toán đầy đủ 285 triệu đồng, trong khi giảng viên cơ hữu, những người giảng dạy chính khóa, quản lý sinh viên, lại bị nợ gần 1 tỉ đồng tiền vượt giờ.

"Tình trạng kéo dài nhiều năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng tôi, nhất là khi vật giá leo thang, đồng lương lại không ổn định", một giảng viên bức xúc nói.

Tự chủ tài chính hoàn toàn, nhà trường gặp khó

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đình Tá, Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi, thừa nhận, nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính kể từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ 100% từ năm 2023.

Ông Tá cho biết: "Tổng nợ tiền dạy vượt giờ giai đoạn 2015 - 2018 khoảng 936 triệu đồng. Từ đó đến nay phát sinh thêm hơn 1,3 tỉ đồng. Ngoài ra, nhà trường còn nợ 50% lương tháng 6 và toàn bộ lương tháng 7 của cán bộ, nhân viên".

Trường hiện có 117 viên chức, người lao động. Kế hoạch tuyển sinh mỗi năm là 950 học sinh - sinh viên, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 80%. Mỗi sinh viên đóng khoảng 18,5 triệu đồng/năm, nhưng phần lớn được miễn giảm và phần hỗ trợ từ ngân sách về chậm.

Trường cao đẳng ‘hụt hơi’ tài chính, giảng viên bị nợ lương, tiền dạy vượt giờ - Ảnh 2.

Do trường khó khăn tài chính nên giảng viên bị nợ lương và tiền dạy vượt giờ, phụ cấp

ẢNH: P.A

Theo ông Tá, từ năm 2024, việc chi trả lương ngày càng khó khăn do học phí không tăng trong khi chi phí vận hành và lương cơ bản đều tăng. Mỗi tháng trường cần khoảng 1,4 tỉ đồng để chi trả lương, chưa kể các khoản bảo hiểm.

Ưu tiên trả nợ  giảng viên thỉnh giảng vì bị dọa kiện

Lý giải về việc nhà trường ưu tiên chi trả đầy đủ tiền thỉnh giảng trong khi vẫn nợ giảng viên cơ hữu, ông Tá thẳng thắn: "Họ là người ngoài, gọi điện nhiều lần, thậm chí dọa kiện ra tòa nên chúng tôi buộc phải xoay xở để trả trước nhằm tránh rắc rối pháp lý. Còn giảng viên nội bộ hiểu rõ tình hình, nên chúng tôi cân đối trả dần".

Dự kiến trong tháng 8, nhà trường sẽ chi trả một phần nợ nhờ khoản học phí từ sinh viên học lại. Đồng thời, nhà trường cũng đang xây dựng phương án tinh gọn bộ máy để giảm chi.

Tuy nhiên, khi được hỏi về số lượng cụ thể giữa giảng viên và nhân sự hành chính, ông Tá cho biết "chưa nắm rõ con số". Trong khi đó, một số giảng viên cho rằng cơ cấu nhân sự hiện tại đang bất hợp lý, bộ máy hành chính cồng kềnh gây tốn kém chi phí.

Ông Tá lý giải thêm: "Tỉnh Quảng Ngãi hiện đang rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trên toàn tỉnh. Trường đã xin thực hiện tinh gọn sau khi có kết luận, để tránh thay đổi nhiều lần".

Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi được thành lập từ năm 2013 theo quyết định của Bộ LĐ-TB-XH, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động theo mô hình tự chủ có thu. Tuy nhiên, bài toán tài chính ngày càng phức tạp khi nguồn tuyển sinh giảm, chi phí tăng, bộ máy thiếu linh hoạt và nợ giảng viên ngày một lớn.

Câu chuyện tại Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi không chỉ là vấn đề ngân sách, mà còn là câu chuyện ứng xử với đội ngũ giảng viên, những người đang trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nếu không sớm tháo gỡ, hệ lụy không chỉ dừng ở đời sống cán bộ, giảng viên mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, làm giảm uy tín của nhà trường trong môi trường giáo dục nghề nghiệp vốn đang cạnh tranh khốc liệt.

Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-cao-dang-hut-hoi-tai-chinh-giang-vien-bi-no-luong-tien-day-vuot-gio-185250726072551186.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm