Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trưởng thôn tập hợp người dân nuôi hươu sao, cùng giúp nhau làm giàu

TPO - Đều đặn mỗi tháng, tổ nuôi hươu sao ở xã Phương Độ (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) lại họp mặt để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhóm chăn nuôi đặc biệt này do anh Nguyễn Văn Trụ, Trưởng thôn Tân Tiến, đứng ra vận động, khởi xướng.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong27/05/2025


Trước khi đến với nghề nuôi hươu, anh Trụ từng chăn nuôi bò, trâu thả rông. "Nuôi trâu bò thì phải dậy sớm cắt cỏ, trưa nắng vẫn phải đi chăn nhưng cũng chỉ đủ trang trải chi phí trong nhà", anh kể. Sau 8 năm gắn bó với chuồng trại, anh quyết định dừng lại. Anh chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ nấu cỗ theo đơn đặt và tự chăn nuôi lợn, gia cầm để chủ động nguồn thực phẩm cho quán, tăng thêm thu nhập.

Năm 2019, anh có dịp đi tham quan mô hình nuôi hươu tại tỉnh Tuyên Quang. “Trong hai tháng tìm hiểu, tôi nhận thấy mô hình này mang lại thu nhập đều đặn, dễ chăm sóc hơn các loại vật nuôi trước kia. Nhưng lúc về, tôi vẫn trăn trở mãi. Đầu tư mỗi cặp hươu tốn hơn 30 triệu đồng, số tiền không nhỏ lại chưa có kinh nghiệm, sợ nuôi không được”, anh Trụ nhớ lại.

Bên cạnh đó, theo anh Trụ, thời điểm ấy, người dân trong xã vẫn còn e dè với giống vật nuôi mới lạ. Nhiều người xì xào cho rằng nuôi hươu không phù hợp, sợ mắc dịch bệnh, lại chưa ai có kinh nghiệm hay kỹ thuật chăm sóc. Chính sự hoài nghi ấy càng thôi thúc anh đi đầu thử nghiệm mô hình mới tại địa phương.

Mô hình mới giúp tăng thu nhập, tập hợp bà con chăn nuôi

Sau vài tháng tự tay xây dựng chuồng trại, anh cẩn thận lựa chọn nhập về hai cặp hươu giống. Hươu đực có đế nhung to, tròn; hươu cái đều tròn mình, nặng khoảng 25-30kg. Mức đầu tư ban đầu khoảng 85 triệu đồng, trong đó 50 triệu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phần còn lại là vốn tự có của gia đình.

Trưởng thôn tập hợp người dân nuôi hươu sao, cùng giúp nhau làm giàu ảnh 1

Trưởng thôn tập hợp người dân nuôi hươu sao, cùng giúp nhau làm giàu ảnh 2

Mô hình chăn nuôi hươu của anh Nguyễn Văn Trụ tại xã Phương Độ, TP Hà Giang.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, năm đầu tiên đã trở thành một bài học đắt giá. Cả bốn con hươu non được sinh ra từ hai cặp giống ban đầu đều lần lượt chết. “Tôi không biết rằng hươu mẹ sau sinh rất nhạy cảm, không chấp nhận con nếu bị cách ly. Khi tôi đưa hươu con trở lại chuồng sau một thời gian tách riêng, hươu mẹ đã không chịu cho con bú nữa”, anh Trụ kể lại. Năm đó, hươu đực cũng chưa đến tuổi cho nhung, nên anh không có bất kỳ nguồn thu nào. “Vụ đó tôi coi như mất trắng”, anh ngậm ngùi.

Theo anh Trụ, tuy chăm huơu ít dịch bệnh hơn so với lợn, gà nhưng phải đảm bảo về nguồn thức ăn, chuồng trại sạch sẽ. Với chuồng trại, để chống ẩm ướt, anh lót thêm lớp trấu, mùn cưa, đảm bảo cho huơu có không gian khô thoáng, dễ ngủ. Thời tiết lạnh, anh sẽ quây bạt ủ ấm. Nguồn thức ăn như cỏ, lá xoan, lá mít, hạt ngô cũng được lấy từ tự nhiên hoặc nhập từ nguồn đảm bảo. “Chi phí lớn nhất là giá nhập, phần thực phẩm cho huơu mỗi năm chỉ tốn khoảng 300 - 400 nghìn đồng/ con nên huơu cho thu nhập tốt nếu đảm bảo kỹ thuật nuôi”, anh Trụ chia sẻ.

Kể từ năm thứ hai, mô hình nuôi hươu bắt đầu mang lại thu nhập cho anh Trụ từ việc bán con giống và nhung hươu (lộc nhung – PV), với thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm. Hiện chuồng trại của anh có 8 cặp hươu, vừa để khai thác nhung, vừa nhân giống. “Dù mô hình còn nhỏ nhưng hươu đã mang lại nguồn thu ổn định. Mỗi con đực có thể cho nhung suốt khoảng 18 năm, đồng thời việc sinh sản giúp tăng dần số lượng hươu trong chuồng, tăng thu nhập từ bán con giống”, anh Trụ chia sẻ.

Sau nhiều năm khẳng định hiệu quả từ mô hình nuôi hươu, anh Trụ bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xã và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Hiện nay, tổ nuôi hươu tại xã Phương Độ đã có 8 thành viên với tổng đàn 54 con. “Tổ giúp nhau trong kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là cách cắt nhung hươu không cần gây mê. Ngoài ra, các thành viên còn cùng nhau quảng bá thương hiệu hươu Phương Độ đến với nhiều khách hàng hơn. Người mua có thể đến tận nơi, trực tiếp chứng kiến quá trình cắt nhung để tăng thêm độ tin cậy”, anh Trụ chia sẻ.

Trưởng thôn tập hợp người dân nuôi hươu sao, cùng giúp nhau làm giàu ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Cứ, thành viên trong tổ nuôi hươu xã Phương Độ thu hoạch nhung hươu.

Trong tương lai, anh dự định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời kết hợp mô hình tham quan chuồng trại với dịch vụ ăn uống, nhằm phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cứ, Phó Chủ tịch HĐND xã Phương Độ và cũng là thành viên trong tổ nuôi hươu của địa phương, cho biết, các thành viên trong tổ, từ những người trẻ nhất mới 26 tuổi đến người lớn tuổi trên 50, đều nỗ lực hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển mô hình nuôi hươu. “Mô hình nuôi hươu do anh Trụ khởi xướng mang lại hướng đi mới cho người dân, góp phần tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong xã có công việc ổn định, có mô hình để đầu tư, giảm thiểu việc đi làm thuê hay làm ăn xa tại các khu công nghiệp,” ông Cứ chia sẻ.

Thành Đạt

Nguồn: https://tienphong.vn/truong-thon-tap-hop-nguoi-dan-nuoi-huou-sao-cung-giup-nhau-lam-giau-post1745621.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm