Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TS LÊ NHẬT KÝ: Tôi tin, mảng văn học thiếu nhi sẽ còn bứt phá mạnh…

(GLO)- Trong không gian nghiên cứu văn học đương đại, dòng chảy lý luận thường hướng về các khuynh hướng của văn học dành cho người trưởng thành, TS Lê Nhật Ký lặng lẽ đi trên lối hiếm người theo: Nghiên cứu văn học thiếu nhi.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai05/07/2025

Suốt gần 2 thập niên, cần mẫn đào xới, kiến tạo nền tảng lý luận cho lĩnh vực vốn có ít tác giả theo đuổi, ông góp phần định hình bản đồ nghiên cứu cho thế giới hồn nhiên, đa sắc này.

BAO QUÁT MỘT DÒNG CHẢY

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, TS Lê Nhật Ký nắm bắt tường tận dòng chảy của văn học thiếu nhi qua nhiều thời kỳ, đặc biệt, ông dành nhiều tâm huyết cho truyện cổ tích hiện đại.

2.jpg
TS Lê Nhật Ký trò chuyện với tác giả về văn học thiếu nhi. Ảnh: TRẦN HƯNG ĐẠO

Gần 20 năm chú tâm nghiên cứu văn học thiếu nhi

- Năm 1998, tôi ra Hà Nội dự Hội thảo về Văn học trẻ em do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Lần đó, tôi gặp PGS.TS Vân Thanh (Viện Văn học), một chuyên gia về lĩnh vực văn học thiếu nhi. Tôi đã được cô Vân Thanh khuyến khích đi sâu nghiên cứu về mảng văn học này. Vậy rồi, tôi gắn bó với nghiên cứu văn học thiếu nhi đến giờ. Đến nay, tôi có tham gia viết một số công trình nghiên cứu, chuyên luận như: Văn học cho thiếu nhi (viết chung với TS Châu Minh Hùng, 2003), Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi (viết chung với TS Châu Minh Hùng, 2009), Trần Hoài Dương, con người và tác phẩm (2015), Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2016), Từ bước chân Dế Mèn (2024)...

Là một người hiếm hoi có cái nhìn hệ thống về truyện cổ tích hiện đại Việt Nam, điều gì khiến ông kiên trì với thể loại này?

- Tôi nhìn truyện cổ tích hiện đại như một dòng chảy nối dài cổ tích dân gian, nhưng đồng thời là một mạch sáng tạo độc lập, mang hơi thở của thời đại. Trẻ em hôm nay vẫn đọc cổ tích, nhưng các em cũng cần những câu chuyện gần hơn với thế giới đương đại, với những vấn đề mà chính các em đang đối diện: Tình bạn, cảm xúc, khát vọng, giới tính, tự lập…

Vậy thể loại này đã có hành trình như thế nào trong văn học Việt Nam?

- Từ đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, các nhà văn lãng mạn như Khái Hưng, Ngọc Giao... đã khởi xướng những truyện cổ tích viết mới. Sau đó, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh, vẫn có những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương... tiếp tục phát triển thể loại này. Kể từ sau 1975, khi đất nước thống nhất, văn học thiếu nhi được quan tâm nhiều hơn, cổ tích hiện đại mới thực sự bước vào thời kỳ phát triển. Đến nay, đã có hàng trăm truyện cổ tích hiện đại được viết ra với nhiều xu hướng khác nhau.

Ông từng đề xuất đưa truyện cổ tích hiện đại vào nhà trường…

- Nhiều năm nay, nhà trường vẫn chủ yếu khai thác truyện cổ tích dân gian. Nhưng truyện cổ tích hiện đại có sức sống riêng, gần gũi với đời sống học đường hơn, từ hoàn cảnh nhân vật cho đến ngôn ngữ biểu đạt. Các truyện như Chú bé nhặt bông gạo (Ngô Quân Miện), Chữ A và chữ E (Nguyên Hương) hay Cô bé và ông Táo (Phạm Hổ)... đều có thể dùng trong dạy học văn, từ sáng tạo cốt truyện, cách xây dựng tình huống, cho đến bài học đạo đức. Tôi mong có những tuyển tập, tài liệu tham khảo chính thống để hỗ trợ giáo viên làm điều đó. Bản thảo tuyển tập về truyện cổ tích hiện đại của tôi cũng đang được một nhà xuất bản lên kế hoạch in ấn và phát hành dịp hè 2025 này.

Ở góc nhìn khác, ông cũng viết một nghiên cứu riêng về tác dụng làm văn từ văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Vì sao ông chọn tác giả này?

- Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có tài năng thiên phú và tâm thế của một nhà giáo. Ông không giảng lý thuyết nhưng lại “dạy” học sinh bằng hình tượng văn học sống động. Qua các truyện như Út Quyên và tôi, Bàn có năm chỗ ngồi, Đảo mộng mơ..., ông nói về cách tả nhân vật, về vai trò của trí tưởng tượng, về tầm quan trọng của tình cảm trong làm văn… rất tự nhiên mà sâu sắc. Nhiều học sinh thừa nhận rằng đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh giúp các em “viết dễ hơn, hay hơn”, đó là một minh chứng không thể bỏ qua.

Vậy ông sẽ nói gì với thầy cô giáo hôm nay đang giảng dạy Tập làm văn?

- Tôi nghĩ 3 điều: Một là hãy để học sinh viết bằng cảm xúc. Hai là khuyến khích học sinh đọc văn học hiện đại, từ đó mở rộng vốn từ, lối diễn đạt, cách hình dung thế giới. Ba là biết trân trọng trí tưởng tượng, bởi sáng tạo bắt đầu từ mộng mơ. Nếu học sinh viết một “hòn đảo Robinson tưởng tượng” thì đừng vội gạt bỏ, hãy tìm cách đồng hành cùng các em trong hành trình đó...

DẤU ẤN Ở "ĐẤT VÕ TRỜI VĂN"

TS Lê Nhật Ký theo dõi sát sao về văn học thiếu nhi tại miền đất Võ, tôi cảm nhận rõ niềm vui của ông khi phát hiện ra một tác phẩm mới, hay một tác giả mới dành sáng tác cho thiếu nhi.

Nếu chỉ dùng một cụm từ khái quát về văn học thiếu nhi Bình Định trong những thập kỷ qua, ông sẽ chọn từ gì?

- Tôi sẽ chọn cụm từ “khởi sắc bền bỉ”. Bởi vì ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, văn học thiếu nhi ở đất Võ vẫn âm thầm phát triển. Còn hiện nay, sự khởi sắc ấy đã có diện rộng, lực lượng mới mẻ, sáng tạo và nhiều đóng góp rõ rệt. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, ngay từ đầu thế kỷ XX, thật vinh dự khi vùng đất này mang dấu ấn khởi đầu quan trọng của tiến trình văn học viết cho thiếu nhi với những tác phẩm văn học quốc ngữ do nhà in Làng Sông ấn hành vào những năm 20 của thế kỷ XX: Trước cửa thiên đàng (Lê Văn Đức, 1923), Vì thương chẳng nệ (Đảnh Sơn, 1924), Chúa hài đồng gọi (Đinh Văn Sắt, 1925), Hai chị em lưu lạc (Pierre Lục, 1927)… Trong số những ấn phẩm này, đáng chú ý là tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc được chính tác giả Pierre Lục sáng tác ngay tại Làng Sông.

Có người nói, văn học thiếu nhi ở đây đang chạm tới “tính chuyên nghiệp”. Ông nghĩ sao?

- Tôi đồng ý. Họ không còn viết “cho vui” nữa mà nghiêm túc như đang làm sứ mệnh văn hóa. Cách đặt vấn đề, lựa chọn ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm… đều có ý thức nghệ thuật rõ nét. Nhìn vào Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ hay Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Ở một nơi có rất nhiều rồng... của Mộc An, ta thấy được điều đó.

Cho đến hiện tại, vùng đất này sở hữu nhiều gương mặt rất đáng kỳ vọng. Bên cạnh lớp “tiền bối” như Phạm Hổ, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai... thì có một thế hệ trẻ đang trỗi dậy mạnh mẽ: Mộc An, Mai Đậu Hũ, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Nguyễn Trần Thiên Lộc, My Tiên, Trương Công Tưởng… Họ có học vấn cao, tiếp cận tốt với xu hướng hiện đại, lại rất tâm huyết với trẻ em.

Đặc biệt, ngay ở trại viết tại Đà Lạt mà tôi vừa tham gia cuối tháng 5.2025, có thêm nhà văn Trần Quang Lộc, Bùi Duy Phong đã viết 4 truyện cho thiếu nhi, điều đó thực sự rất đáng ghi nhận.

Nhưng dường như vẫn còn khoảng trống nào đó...

- Vâng. Ví dụ như kịch bản thiếu nhi vẫn còn mỏng; thơ ca tuy nhiều nhưng ít bài khai thác thiên nhiên, con người ở đây một cách sâu sắc; đặc biệt, thiếu những công trình phê bình chuyên sâu để nâng tầm các giá trị sẵn có.

Để văn học thiếu nhi phát triển, chúng ta cần những cộng hưởng trong chặng đường này?

- Tôi nghĩ điều đó rất cần thiết, từ các cơ quan truyền thông đến các cơ quan văn hóa. Đặc biệt là Hội VHNT, những năm qua đã tổ chức các trại sáng tác, chương trình giao lưu với NXB Kim Đồng, mở các cuộc tọa đàm văn học… Tất cả đều tạo thành một hệ sinh thái cho văn học thiếu nhi phát triển. Vì vậy, tôi tin mảng văn học này sẽ còn bứt phá mạnh tại đây.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: https://baogialai.com.vn/ts-le-nhat-ky-toi-tin-mang-van-hoc-thieu-nhi-se-con-but-pha-manh-post330878.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm