Xếp hàng đợi tới luợt kê đơn thuốc BHYT - Ảnh: THU HIẾN
Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh được kê đơn ngoại trú tối đa 90 ngày.
Thỏa lòng người dân mong đợi
Suốt thời gian qua, nhiều người bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, đặc biệt là người cao tuổi tháng nào cũng mỏi mòn xếp hàng từ sáng sớm chỉ để lấy toa thuốc. Trong số đó, không ít người bệnh nhiều tháng liền vẫn dùng đơn thuốc cũ, nhưng vì quy định cấp thuốc ngoại trú tối đa 30 ngày khiến họ tháng nào cũng phải đến bệnh viện để lấy thuốc.
Ông Hoàng (70 tuổi, Hà Nội) chia sẻ ông bị cao huyết áp nhiều năm nay. "Dù bệnh viện ngay gần nhà nhưng mỗi 21 ngày tôi lại phải đi từ 5h30 sáng để đến khám. Nói là khám chứ thực ra cũng không khám gì nhiều. Bác sĩ hỏi bệnh, nếu không có biểu hiện gì khác thường thì cho thuốc như thường lệ", ông Hoàng nói.
Khi biết tới đây sẽ được cấp thuốc trên 30 ngày đối với bệnh nhân bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, ông Hoàng không khỏi vui mừng. Ông nói nếu cấp thuốc dài ngày hơn ông cũng không phải đi lại nhiều, lại đỡ bị gián đoạn, bỏ thuốc vì đôi khi "trở trời" khiến ông không thể đến bệnh viện tái khám đúng thời gian.
Còn chị Hoa (Hà Nội) cho hay tháng nào cũng phải xin nghỉ phép 1 buổi để đưa mẹ đi khám. Chị Hoa chia sẻ trước đây mẹ của chị bị ngã chấn thương khiến việc di chuyển khó khăn, hiện chỉ có thể ngồi xe lăn khi ra ngoài. Vì vậy mỗi tháng chị đều phải xin nghỉ làm để đưa mẹ đi khám, lấy thuốc huyết áp và đái tháo đường.
"Việc cấp thuốc dài ngày không chỉ giúp người bệnh không phải đi lại, chờ đợi mà còn giúp giảm quá tải cho bệnh viện. Còn những người thân như tôi cũng đỡ ảnh hưởng đến công việc", chị Hoa nói.
Nghe tin bệnh đái tháo đường của mình nằm trong danh sách bệnh mãn tính được cấp phát thuốc trên 30 ngày, bà L.T.H. (77 tuổi, TP.HCM) không khỏi phấn khởi vui mừng vì sẽ vơi đi vất vả. Từ nhiều năm nay bà H. được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, hằng tháng bà phải đến bệnh viện tuyến quận để lấy thuốc.
Tuổi cao sức yếu, không tự đi bằng phương tiện cá nhân, cứ cách 21 ngày bà lại phải đi bộ hơn 2km đến bệnh viện lấy thuốc. Đáng nói là những loại thuốc bà uống cũng không khác gì so với các thuốc cũ đã uống trước đó; hơn nữa xét nghiệm thì không phải làm thường xuyên, 3-6 tháng mới làm một lần.
"Có xin thêm thuốc để khỏi đi lại nhiều mà bác sĩ nói quy định không được. Giờ nghe tin kéo dài thêm thời gian cấp thuốc cũng vui lây, hằng tháng tôi không phải xếp hàng, chen chúc để chờ đợi bác sĩ thăm khám. Chúng tôi vui lắm, nhất là những người lớn tuổi", bà H. tâm sự.
Có đến 252 bệnh được cấp thuốc tối đa 90 ngày
Theo thông tư Bộ Y tế vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7 về quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc ngoại trú, sẽ có 252 bệnh mạn tính được cấp thuốc trên 30 ngày, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây.
Những bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày sẽ do người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.
Danh mục 252 bệnh này không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm…, mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như viêm gan vi rút B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết.
Hay các bệnh máu và miễn dịch như Thalassemia, thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ… Danh mục còn cập nhật thêm một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết danh mục này được lấy ý kiến từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa như nội tiết, nhi, lão khoa, thần kinh, tâm thần… và sau đó thẩm định qua các hội đồng chuyên môn.
Ông Dương cũng lưu ý không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải đánh giá từng bệnh nhân cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Cao Tấn Phước, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho biết việc kéo dài thời gian cấp phát thuốc cho người bệnh là rất cấp thiết và kịp thời, nhất là người bệnh mạn tính, nhằm giảm phiền hà cho người bệnh.
Theo thống kê tại bệnh viện, số lượng người bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… chiếm khoảng 60 - 70%. Đề xuất này không chỉ làm giảm phiền hà cho người bệnh mà còn giảm tải cho bệnh viện.
Tuy nhiên, ông Phước cũng nhận định các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi kê đơn thuốc cho người bệnh lên 60 ngày hoặc 90 ngày, phải tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh có ổn định hay không để có đánh giá linh hoạt. Với người lớn tuổi diễn tiến bệnh rất dễ trở nặng, do đó khi kê đơn thuốc phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe người bệnh.
Người bệnh đi khám BHYT tại một bệnh viện - Ảnh: NAM TRẦN
Biết bao người bệnh được hưởng lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay hiện bệnh viện đang điều trị, quản lý khoảng 13.000 người mắc các bệnh mạn tính, trong đó 60% bệnh nhân đã được theo dõi trên 3 năm và ổn định sức khỏe. Đối với những bệnh nhân cao huyết áo, đái tháo đường, suy giáp sau điều trị… nếu chưa ổn định sức khỏe thì cần theo dõi điều trị cho đến khi ổn định.
"Việc điều trị, kê đơn cần cá thể hóa từng bệnh nhân. Không phải bệnh nhân nào cũng có thể kê đơn thuốc dài ngày nhưng cũng có bệnh nhân có thể kê đơn thuốc dài ngày, thậm chí 3 tháng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử, mức độ đáp ứng của thuốc… phù hợp với chuyên môn, để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất", ông Thường chia sẻ.
Theo ông Thường, nếu cấp thuốc tối đa 3 tháng/lần sẽ giúp giảm lượng bệnh nhân đến thăm khám hằng ngày rất nhiều.
"Không chỉ người bệnh có lợi mà chính bệnh viện cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này. Các bác sĩ sẽ không phải ngồi bàn khám quá nhiều, có nhiều thời gian để khám kỹ và tư vấn kỹ hơn cho bệnh nhân. Đồng thời chi phí vận hành bệnh viện cũng giảm đi. Như vậy bệnh viện không chỉ giảm quá tải mà về kinh tế cũng có nhiều lợi ích", ông Thường nhận định.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai thí điểm cấp thuốc dài ngày từ tháng 11-2024 đến hết tháng 4-2025. Trong thời gian này, bệnh viện đã cấp trên 30 ngày cho khoảng 2.300 người bệnh. Kết quả cho thấy tỉ lệ bệnh nhân phải quay lại khám trong vòng 50 ngày (tương đương gần 2 tháng) sau khi được cấp thuốc trên 30 ngày chỉ khoảng 3%.
"Chính sách này đã góp phần giảm đáng kể tần suất đến bệnh viện của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm như 8h -10h sáng và 13h -15h chiều, qua đó cải thiện thuận lợi cho công tác chuyên môn tại các khoa khám bệnh", đại diện bệnh viện này đánh giá.
Một bác sĩ đang công tác tại TP.HCM có hàng chục năm kinh nghiệm cấp phát thuốc cho người bệnh cũng cho hay việc thay đổi thời gian cấp thuốc không chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, thời gian, chi phí...mà còn giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện và công việc của các y bác sĩ.
Khi số lượng bệnh giảm, bác sĩ có thời gian quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn kỹ lưỡng hơn cho người bệnh. Bệnh mãn tính không chỉ là chuyện dùng thuốc mà việc phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng rất quan trọng. Vì thực tế nhiều bệnh nhân thường than vãn do lượng bệnh nhân đông nên bác sĩ ít có thời gian hỏi han, quan tâm đến người bệnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-1-7-hon-500-benh-man-tinh-duoc-cap-thuoc-den-3-thang-lan-ai-cung-mung-20250701222929532.htm
Bình luận (0)