Từng "bập bõm" về chuyển đổi số, xã Phượng Dực (Hà Nội) đã trải qua hành trình vượt khó để bắt kịp xu thế thương mại điện tử. Nếu như trước đây, 66% diện tích của xã được sử dụng làm đất nông nghiệp, cư dân chủ yếu sinh sống dựa vào canh tác và các nghề thủ công truyền thống, thì nay người dân đã trở thành những nhà bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp.
Mỗi người dân trở thành một nhà sáng tạo nội dung số
Từ đầu tháng 7/2025, mỗi cuối tuần tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Phượng Dực luôn vang lên tiếng cười rộn ràng của những bà con nông dân. Không nhiều người biết rằng đó là các lớp học quay dựng video, livestream bán hàng, viết nội dung bằng công nghệ AI dành cho những người nông dân làng nghề truyền thống.
Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2023, khi huyện Phú Xuyên xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn diện gắn với thúc đẩy thương mại điện tử. Ông Lê Văn Bính - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là người đặt nền móng cho "sức bật" của cả huyện. Ông Bính nhận thấy tiềm năng to lớn của các làng nghề truyền thống nhưng đồng thời lo ngại việc sản phẩm thủ công chỉ dừng lại ở thị trường địa phương, khó vươn xa.

Từ tầm nhìn đó, Phú Xuyên đã ban hành nghị quyết khuyến khích mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 200 học viên tham gia lớp đào tạo thương mại điện tử. Mục tiêu không chỉ dạy cách bán hàng trực tuyến, mà còn trang bị kỹ năng quay dựng video, biên tập nội dung, sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết bài, khai thác nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…
Với nỗ lực chuyển đổi số quyết liệt, huyện Phú Xuyên bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động thương mại điện tử. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến trên địa bàn huyện đã vượt mốc 4.000 tỷ đồng...
Thừa hưởng thành quả đó, xã Phượng Dực (Hà Nội) khi chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp đã nhanh chóng vào cuộc tiếp tục triển khai.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phượng Dực, ngay từ ngày 1/7/2025, dưới mô hình chính quyền hai cấp, Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã đã đã họp và có những giải pháp về các phương án phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm vụ tháng 7 cũng là nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
"Ngay từ những ngày đầu của mô hình chính quyền 2 cấp, chính quyền xã đã tiến hành rà soát lại toàn bộ về thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng sau đó đã trang bị, đầu tư cho các địa bàn. Chúng tôi đã tổ chức một số công tác đào tạo cũng như truyền thông, đặc biệt các sản phẩm liên quan đến các sản phẩm làng nghề truyền thống," ông Quang chia sẻ.

Từ đầu tháng 7, mỗi cuối tuần trụ sở Ủy ban Nhân dân xã như một "hội trường công nghệ." Bà con nông dân khuân ghế, ngồi vào bàn, tay cầm điện thoại, laptop, sẵn sàng tiếp thu các kỹ thuật quay video, viết kịch bản livestream, trò chuyện về cách sử dụng AI để tạo tiêu đề hấp dẫn, mô tả sản phẩm thu hút khách hàng.
Anh Đỗ Văn Việt là một trong những chuyên gia gắn bó lâu dài với huyện Phú Xuyên cũ và xã Phượng Dực mới chia sẻ: "Ban đầu, đa phần học viên là những người trẻ, nhanh nhạy với công nghệ. Người già, nhất là những nghệ nhân lâu năm, còn e ngại, không biết cách cầm điện thoại quay, chỉnh khung hình. Nhưng chỉ sau vài buổi thực hành, họ đã dạn dĩ hơn, tạo nên những video livestream mộc mạc mà chân thực."
Trong các buổi tập huấn, nội dung không chỉ dừng lại ở phần kỹ thuật, các chuyên gia còn chia sẻ cách xác định phân khúc khách hàng, bí quyết kể câu chuyện sản phẩm để chạm đến cảm xúc người xem, phương pháp xử lý bình luận, giải đáp thắc mắc, kích thích tương tác tự nhiên.
Một trong những điều thú vị nhất là không khí "mỗi người dân đều trở thành nhà sáng tạo nội dung số." Từ các thanh niên đến những phụ nữ tuổi trung niên, nông dân chân chất, ai nấy đều tự tin đứng trước hàng nghìn người xem giới thiệu sản phẩm của mình hay đăng tải các clip do chính mình quay dựng.
Người dân không chỉ được giảng dạy kỹ thuật, mà còn được hỗ trợ xây dựng kênh bán hàng, thiết kế giao diện gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, quản lý kho, xử lý đơn hàng, logistics. Nhờ đó, nhiều hộ kinh doanh yên tâm mở rộng quy mô, từ vài chục sản phẩm ban đầu đã tăng lên hàng trăm mẫu mã độc đáo.

Phong trào ngày một lan tỏa, người này chia sẻ cho người kia, hộ trước giúp hộ sau, dần dần mỗi tuần xuất hiện hàng chục video, clip quảng bá các sản phẩm mây tre đan Phú Túc, Đại Thắng, Văn Hoàng, tò he Xuân La,...
Việc cả xã Phượng Dực đồng lòng học livestream không chỉ là hoạt động dạy nghề, mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho làng nghề truyền thống. Khi công nghệ gặp gỡ văn hóa, những sản phẩm thủ công bỗng có sức sống khác biệt, vươn lên “thương hiệu số” và tiếp cận hàng vạn khách hàng.
Khi hội trường Ủy ban cũng thành 'phòng livestream'
Ngoài việc hỗ trợ cá lớp tập huấn, lãnh đạo xã Phượng Dực cũng đồng hành cùng bà con trong các buổi livestream bán hàng. Mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, bà con sẽ cùng nhau đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để cùng nhau livestream trong khoảng 2-3 tiếng. Các hội trường tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã được tận dụng để trở thành các phòng livestream cho những người dân.

Ở tuổi ngoài 70, bà Đặng Thị Với - một trong những nghệ nhân tò he kỳ cựu của làng nghề tò he Xuân La đã trở thành gương mặt quen thuộc trên các buổi livestream quảng bá sản phẩm đặc trưng của quê hương.
Không máy móc cầu kỳ, không kịch bản soạn sẵn, những buổi phát trực tiếp của bà Với diễn ra mộc mạc, giản dị nhưng đầy cuốn hút. Trong tiếng nói nhẹ nhàng, chất phác của người phụ nữ làng nghề, người xem không chỉ thấy được những con tò he đầy sắc màu mà còn cảm nhận được cả lịch sử, tình yêu nghề và sự tự hào dân tộc thấm đẫm trong từng nắm bột, chiếc tăm tre nhỏ bé.
Bà Với giới thiệu một cách say sưa trước hàng trăm, hàng ngàn lượt xem trực tuyến. Không chỉ làm mẫu trực tiếp cách nặn tò he, bà còn kể lại những câu chuyện gắn liền với mỗi tạo hình, giải thích ý nghĩa, biểu tượng và sự tinh tế trong từng chi tiết.

Bất chấp tuổi tác, bà Với cho biết mình rất vui vì có thể "dùng cách mới để làm sống lại cái nghề cũ." Đằng sau sự tự nhiên ấy là cả một tinh thần cầu thị, không ngại thay đổi để thích nghi với xu thế chuyển đổi số, đưa hình ảnh làng nghề đến gần hơn với cộng đồng số.
Thành công của bà Với không chỉ truyền cảm hứng cho người dân trong làng mà còn lan tỏa đến nhiều người dân khác. Họ bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, cách làm nội dung để tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng số.
Câu chuyện của bà Với là minh chứng rằng chuyển đổi số không chỉ là việc của người trẻ hay thành phố lớn, mà khi người nông dân, nghệ nhân cũng dám bước lên mạng, dám kể câu chuyện của mình, thì di sản văn hóa dân gian mới thực sự có cơ hội hồi sinh và phát triển.

Những người nông dân bước vào thế giới số không phải để chạy theo thời đại, mà để kéo cả làng nghề cùng tiến bước. Và nhờ đó, những sản phẩm làng nghề truyền thống có thêm cơ hội sống mãi trong lòng người.
Phượng Dực không muốn dừng lại ở tấm gương điển hình cấp xã mà đang có định hướng đưa mô hình này lan tỏa ra nhiều địa phương khác.
Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban Nhân dân xã, doanh thu từ thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2025 của Phượng Dực ước đạt khoảng 300 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra tăng trưởng 50-70% trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành doanh thu cả năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ kinh doanh.
Điều này chứng tỏ thương mại điện tử đã thực sự trở thành “mạch máu” mới, kết nối sản phẩm từ làng nghề tới thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Khi công nghệ gặp gỡ truyền thống, không chỉ sản phẩm được số hóa, mà chính câu chuyện, ký ức, tâm hồn của làng nghề cũng tìm được cách thức lan tỏa mới. Phượng Dực đã chứng minh: Khi cả xã cùng đồng lòng chuyển đổi số, không có vùng trũng công nghệ nào có thể giữ chân được khát vọng vươn lên của những con người chân chất dám thử thách, dám thay đổi./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xa-lang-nghe-ven-do-bat-nhip-chuyen-doi-so-hoc-livestream-viet-noi-dung-bang-ai-post1050174.vnp
Bình luận (0)