Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yêu cầu bức thiết thích ứng với đổi mới thi, kiểm tra

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 với điểm nhấn quan trọng là đổi mới cách đánh giá đã tác động trở lại đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại22/07/2025

Dạy - học để vận dụng, gắn kiến thức sách với thực tế cuộc sống đã không còn dừng lại ở khẩu hiệu mà là yêu cầu bức thiết để thích ứng với đổi mới thi, kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực.

Nhìn thẳng sự thật

Cô Nguyễn Thị Thảo Phương - nhóm trưởng nhóm Toán, tổ Tự nhiên, Trung tâm GDTX số 2 Đà Nẵng (Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Nhiều trường vẫn sử dụng phương pháp đánh giá truyền thống, chủ yếu tập trung vào kiểm tra kiến thức lý thuyết và khả năng giải bài tập. Điều này có thể hạn chế khả năng phát triển tư duy logic và sáng tạo của học sinh.

Đề thi thường mang tính hình thức, chưa thực sự phản ánh đầy đủ khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Một số đề thi còn nặng về lý thuyết mà thiếu các bài toán thực tiễn, gây khó khăn cho học sinh trong việc liên hệ kiến thức với cuộc sống”.

Về phía học sinh, cô Thảo Phương cho rằng, các em thường chịu áp lực lớn từ việc phải đạt điểm cao trong các kỳ thi, dẫn đến học lệch, chỉ tập trung vào ghi nhớ công thức và làm bài tập mà không chú trọng đến hiểu sâu kiến thức.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên còn thiếu các phương pháp giảng dạy hiện đại, chưa có nhiều hình thức kiểm tra đa dạng, như kiểm tra theo nhóm, bài thuyết trình hay dự án. Điều này dẫn đến chưa khai thác tối đa tiềm năng của học sinh trong môn học này.

Theo kinh nghiệm của cô Thảo Phương, giáo viên cần coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy học, kiểm tra.

“Tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy, học, kiểm tra; bởi làm vậy sẽ khiến việc dạy và học trở nên rập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng với các kỳ thi trong tương lai; làm sai lệch quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên cần dạy học sinh làm bài để hiểu bản chất và biết vận dụng các kiến thức vào giải quyết vấn đề, không thể dạy làm mẹo. Đồng thời, cần có hệ thống ngân hàng câu hỏi theo 3 hình thức của đề minh họa để dạy và ôn tập cho học sinh theo từng đơn vị kiến thức”, cô Phương chia sẻ.

Theo đó, với các câu hỏi nhiều lựa chọn, theo nhận xét của cô Thảo Phương, đa số là câu hỏi trả lời nhanh, mức độ nhận biết vì vậy nên sử dụng trong các câu hỏi nhận biết công thức và khái niệm, tính chất nên sử dụng trong các hoạt động kiểm tra bài cũ, hình thành kiến thức. Với câu hỏi trả lời đúng/sai, đa số ở mức độ thông hiểu nên áp dụng trong các hoạt động luyện tập. Với câu hỏi dạng trả lời ngắn, có thể sử dụng trong các hoạt động vận dụng.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - giáo viên môn Toán, Trường THPT Lý Nhân Tông (Tân Minh, Ninh Bình) chia sẻ: “Tôi cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ thay đổi kỹ thuật ra đề, mà là sự định hướng lại cách dạy và cách học trong nhà trường. Khi đề thi hướng đến đánh giá năng lực người học, giáo viên buộc phải đổi mới phương pháp, không còn dạy theo lối truyền thụ kiến thức một chiều”.

Học sinh cần rèn luyện tư duy, biết cách vận dụng, phân tích, giải quyết vấn đề. Đó là sự thay đổi mang tính chất căn bản. Các bài kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ cần có câu hỏi mở, vận dụng cao, gắn với thực tiễn. Như vậy mới giúp học sinh làm quen với định hướng của đề thi quốc gia.

yeu-cau-doi-moi-4178.jpg
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (phường Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thực hành môn Vật lí trong hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

“Chuyển động” từ người dạy

Cô Phạm Thị Như Hoa - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Ninh Bình) cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn từ dư luận. Đề thi và hướng dẫn chấm bám sát yêu cầu chương trình, có tính phân hóa hợp lý và thể hiện rõ tính thời sự, thiết thực. Phổ điểm ổn định, nhưng điểm giỏi không nhiều và không có điểm 10, cho thấy mức độ đánh giá năng lực thực chất.

“Tôi thấy rõ điều tích cực khi áp lực thi không còn đặt nặng vào việc học thuộc, học sinh sẽ học chủ động hơn. Các em bắt đầu quan tâm đến việc hiểu sâu, biết vận dụng, biết liên hệ thực tiễn. Giáo viên cũng buộc phải sáng tạo hơn trong xây dựng tình huống, tìm kiếm học liệu, tổ chức hoạt động học tập để truyền cảm hứng cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cần linh hoạt trong việc vận dụng cấu trúc đề thi, đề tham khảo của Bộ”, cô Hoa bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Ngữ văn, Trung tâm GDTX số 2 Đà Nẵng thì cho rằng, để bắt nhịp với những đổi mới đề thi môn Ngữ văn, học sinh buộc phải đọc sách nhiều hơn. “Giáo viên lên danh sách gợi ý một số đầu sách có ở thư viện để học sinh đọc tham khảo. Học thông qua đọc, các em sẽ có cơ hội mở mang kiến thức, mở rộng vốn từ, học cách viết, có thêm tư liệu bổ ích trong quá trình tạo lập văn bản.

Giáo viên vì vậy phải hướng dẫn và dạy học sinh cách đọc bên cạnh dạy cách viết, cảm thụ, phân tích tác phẩm”. Ngoài ra, cô Hà hướng dẫn học sinh theo dõi và cập nhật thêm thông tin thời sự, xã hội để trong quá trình học xử lý tốt câu hỏi mở, liên hệ và vận dụng. Các giờ học trên lớp, học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi tương tác cùng bạn bè, giáo viên để có những giờ học thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ngọc - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT số 2 Đức Phổ (Khánh Cường, Quảng Ngãi) nhận xét, với đề thi môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh cần được tăng cường luyện đọc, mở rộng vốn từ vựng học thuật.

Ngoài các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, giáo viên cần hướng dẫn và rèn cho các em phân tích thông tin, xử lý văn bản và lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với giao tiếp. Như vậy, trong quá trình dạy - học, giáo viên phải tạo các tình huống để học sinh rèn được phản xạ nghe - nói. Các bài tập bằng hình thức viết chủ yếu để học sinh tự làm bài ở nhà, giáo viên chấm sửa cho từng em.

Hệ thống câu hỏi, bài tập phải được xây dựng ở nhiều mức độ, phù hợp với năng lực tiếp nhận của các nhóm học sinh. Làm như vậy, học sinh khá - giỏi sẽ có động lực để học tập; ở hướng ngược học sinh ở mức trung bình trở xuống vẫn có khả năng cải thiện điểm, không có cảm giác bị bỏ rơi trong tiết học.

yeu-cau-doi-moi2.jpg
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (phường Hải Châu, TP Đà Nẵng) xem biểu diễn các trích đoạn tuồng trong chương trình Đưa tuồng vào trường học, một hoạt động giáo dục bộ môn Ngữ văn. Ảnh: NTCC

Định hướng dạy thật, học thật, phát huy năng lực

Theo ông Bùi Như Toán - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Nhân Tông (Ninh Bình), Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với những đổi mới căn bản về cấu trúc và định hướng ra đề đã tạo ra bước chuyển quan trọng, thúc đẩy nhà trường thay đổi toàn diện công tác dạy và học. Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá năng lực tư duy, vận dụng thực tiễn và phẩm chất học sinh, khiến việc dạy học phải chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện.

Trước yêu cầu đó, nhà trường đã chủ động rà soát, điều chỉnh chương trình và kế hoạch giảng dạy theo hướng tích hợp và liên môn, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích giáo viên áp dụng dạy học dự án, trải nghiệm và công nghệ số để tạo môi trường học tập sinh động, phù hợp với xu thế phát triển.

Trong khi đó, ông Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ (Khánh Cường, Quảng Ngãi) cho rằng, với tất cả môn học, giáo viên cần trang bị cho học sinh khả năng đọc - hiểu nhanh, phân tích và chọn lọc thông tin để xác định từ khóa trong các câu hỏi. Với môn Vật lí, Hóa học và Sinh học, có nhiều câu hỏi liên quan đến kỹ năng thực hành và thí nghiệm, vì vậy, trong hoạt động dạy học, giáo viên không thể dạy chay mà cần tăng cường thực hành, thí nghiệm.

“Về phía nhà trường, sẽ cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, khai thác tối đa hiệu quả của phòng bộ môn. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ, có thể cho học sinh xem các thí nghiệm ảo, các video trình diễn thí nghiệm... từ các nguồn khai thác tin cậy để các em nắm được quy trình, biết ứng dụng kiến thức vào đời sống”, ông Bê gợi ý.

Với điểm trung vị là 52,92 điểm và điểm trung bình môn là 6,52 điểm, lần đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An vươn lên vị trí thứ nhất trong số 34 tỉnh, thành trên cả nước. Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong đánh giá chất lượng giáo dục, đóng vai trò vừa là “bánh lái”, vừa là “động lực” dạy học của thầy và trò.

Năm nay là kỳ thi đầu tiên thi theo đánh giá năng lực, ngoài 2 môn bắt buộc, học sinh lựa chọn 2 môn còn lại theo năng khiếu, sở trường để phát huy tính tự chủ, tạo cho các em tâm lý tự tin, thoải mái. Đề thi đảm bảo được xây dựng khoa học, phù hợp với chương trình, năng khiếu sở trường mà học sinh theo học.

Ngành Giáo dục cũng sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung dạy học đúng với định hướng phát triển năng lực học sinh. Về phía các nhà trường cần tiếp tục thay đổi phương pháp dạy học, từng bước xóa bỏ cách dạy thuyết trình, truyền đạt kiến thức theo kiểu áp đặt một chiều mà chuyển sang dạy học tích cực, chủ động sáng tạo. Khơi gợi học sinh phát hiện, tìm kiếm tri thức mới. Đó cũng là một trong những, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, trong thời gian tới, cán bộ cốt cán môn học của các địa phương cần tiếp tục tích lũy, rèn luyện hoàn thiện các năng lực thiết kế đề thi, thiết kế dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh. Tổ chức dạy học giúp học sinh đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới. Khi đó, các em tham gia các kỳ thi sẽ không còn áp lực, tự tin vì đúng với phẩm chất, năng lực và tinh thần phát triển toàn diện.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: “Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến nay đã hoàn thành chu kỳ 5 năm. Bộ GD&ĐT cần sớm có chỉ đạo, rà soát điều chỉnh chương trình phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, phù hợp đặc trưng lứa tuổi học sinh Việt Nam và tính đến yếu tố vùng miền”.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/yeu-cau-buc-thiet-thich-ung-voi-doi-moi-thi-kiem-tra-post740896.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm