Những động thái gần đây của Chính phủ Việt Nam như giảm chi phí kinh doanh và thúc đẩy sản xuất, chế tạo thể hiện quyết tâm cao và nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK Việt Nam, Phó Chủ tịch GBA Việt Nam
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Marko Walde – Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA Việt Nam), cho rằng, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ là một điểm đến ổn định và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy là “nơi trú ẩn an toàn” đối với các nhà đầu tư, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu như xung đột thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, “điểm nghẽn” chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột ở Ukraine và chiến lược zero-COVID ở Trung Quốc, ông Marko Walde nhấn mạnh.
Năm 2022, GDP Việt Nam tăng 8,02%, bất chấp nhu cầu toàn cầu suy yếu và tỉ lệ lạm phát cao. Chính phủ Việt Nam đã linh hoạt trong việc giảm bớt áp lực lạm phát bằng cách điều chỉnh chính sách tài khóa. Điều này đã mang lại cho các công ty Đức sự tự tin trong việc phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Theo khảo sát Triển vọng kinh doanh thế giới của AHK vào kỳ mùa Thu năm 2022, 86% công ty Đức tự tin với triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, trong khi có đến 83% có kế hoạch tăng đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam vào năm 2023.
Việt Nam thực hiện linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ
Với tư cách là Trưởng đại diện AHK Việt Nam và là Phó Chủ tịch GBA tại Việt Nam, ông Marko Walde bày tỏ cảm ơn những nỗ lực của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tạo ra những cuộc đối thoại trực tiếp cởi mở thời gian qua.
Với tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp Đức, phía AHK tin rằng Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Marko Walde, Chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để tăng khả năng thanh khoản, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và kích thích tăng trưởng kinh tế. Những chính sách này bao gồm giảm thuế, bảo lãnh cho vay và giảm lãi suất.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện các cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm quan liêu, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những nỗ lực này đã giúp cải thiện thứ hạng của Việt Nam về năng lực cạnh tranh toàn cầu và mức độ thuận lợi trong kinh doanh.
Kể từ khi Đức và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược vào năm 2011, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế.
Hiện nay, có khoảng 500 công ty Đức đã đầu tư gần 2,9 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra khoảng 50.000 cơ hội việc làm. Những khoản đầu tư này đã đóng góp tích cực cho quan hệ kinh tế song phương. Phần lớn các khoản đầu tư này đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hơn 3/4 số dự án và 2/3 vốn đầu tư của Đức tại Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) và CNTT, dịch vụ kỹ thuật, ngân hàng và bảo hiểm.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực – chìa khóa dẫn đến thành công
Trưởng đại diện AHK Việt Nam cho rằng, nền kinh tế toàn cầu hiện đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và biến động, đặt ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp.
Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh gia tăng giữa các quốc gia để duy trì và thu hút đầu tư, buộc các công ty phải đánh giá lại bối cảnh đầu tư. Tuy vậy, ông Marko Walde vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thành công của Việt Nam.
Để Việt Nam nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, phía AHK Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.
Đối với các doanh nghiệp Đức, con người là chìa khóa dẫn đến thành công. Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tiềm năng kinh tế của một quốc gia.
Do đó, phía Đức mong muốn hợp tác với Việt Nam để trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết, theo tiêu chuẩn của Đức, nhằm tận dụng các cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi kỹ thuật số mang lại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai Quy hoạch điện VIII nhằm khuyến khích sản xuất điện năng tái tạo.
Để tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức, Việt Nam nên tăng hiệu quả kết nối giao thương và hỗ trợ tăng lợi thế cạnh tranh ở cấp địa phương.
Ngoài ra, phía AHK Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững, chẳng hạn như tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hoặc Điều 4 của Đạo luật về sự siêng năng do chuỗi cung ứng.
Trong thời gian tới, các vấn đề như giải quyết nút thắt về giấy phép lao động để thu hút và giữ chân nhân tài; thúc đẩy du lịch bằng cách miễn thị thực nhập cảnh vào Đức và các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu; cải thiện khả năng tiếp cận dược phẩm và thiết bị y tế bằng cách tối ưu hóa các quy trình quản lý và thực hiện các thông lệ nhất toàn cầu cũng cần được chú trọng, ông Marko Walde khuyến nghị thêm.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng nên thúc đẩy tăng trưởng thương mại theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thông qua hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế.
“Ưu tiên chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện trong khu vực công và tư nhân để duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và năng lực hành chính trong tương lai”, Trưởng đại diện AHK Việt Nam nhấn mạnh./.
Baochinhphu.vn