Đường quá nhỏ, muốn chạy nhanh cũng không được
Bên cạnh tốc độ tối đa chỉ 80 km/giờ, yếu tố khiến rất nhiều người hụt hẫng khi các tuyến cao tốc thành phần cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động là số làn xe khiêm tốn. Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo phương án phân kỳ và đưa vào khai thác như đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – QL45 và sắp tới đoạn QL45 – Nghi Sơn đều chỉ có 4 làn xe.
“Tại sao đường mới, tuyến cao tốc trọng điểm trải dọc đất nước mà chỉ làm có 4 làn xe? Đường hẹp như vậy, cho đi 80 km/giờ cũng còn chưa dám, nói gì đến đi nhanh hơn”, anh T.Sang, một doanh nhân thường xuyên di chuyển từ TP.HCM – Mỹ Tho, bức xúc.
Thực tế, đã có quá nhiều minh chứng cho các dự án cao tốc vừa đưa vào khai thác đã nhanh chóng quá tải vì quy mô chật hẹp 2 – 4 làn xe. Đơn cử, cũng thời điểm này cách đây 1 năm, người dân Nam bộ háo hức đón mừng lễ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với kỳ vọng thoát “khổ ải” xếp hàng về miền Tây mỗi dịp lễ, tết. Thế nhưng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh khi chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi thông xe, trên tuyến đường đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, 297 sự cố hư hỏng xe. Lo ngại tuyến cao tốc này sẽ sớm trở thành nút cổ chai, UBND tỉnh Tiền Giang ngay sau đó đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo đúng quy hoạch 6 làn xe cao tốc và 2 làn khẩn cấp trước năm 2030. UBND tỉnh Tiền Giang nhận định lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện nay quá lớn. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu người dân. Tuyến cao tốc huyết mạch vừa khánh thành đã… lỗi thời cả thập niên.
Chỉ vài tháng sau đó, Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản khẩn gửi UBND TP đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương với lý do sau khi dừng thu phí từ đầu năm 2019, lượng xe trên tuyến tăng đột biến, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Giai đoạn 1 đã đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp nhưng đến nay không đáp ứng nổi sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, cần thiết mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tuyến nối Bình Thuận – Chợ Đệm và Tân Tạo – Chợ Đệm lên 8 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Trước đó, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) là điển hình cho tình trạng cao tốc nhanh chóng thành thấp tốc vì quá nhỏ. Tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với vùng Ðông Nam bộ, Tây nguyên nhưng chỉ có 4 làn xe. Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao tốc HLD là trục giao thông chính kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù xây dựng theo quy hoạch là 8 làn xe cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc HLD lên 10 – 12 làn xe, tức gấp 3 lần hiện tại.
Khu vực phía bắc, tỉnh Lào Cai mấy năm qua cũng “sốt ruột”, liên tục đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn từ Yên Bái – Lào Cai (dài 83 km) từ 2 làn lên 4 làn xe. Lý do, dù là cao tốc song chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, trong khi lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí tai nạn nghiêm trọng khi lái xe lơ là lấn làn. Khi mới đưa vào khai thác cách đây 8 năm, đoạn Yên Bái – Lào Cai có lưu lượng 2.500 xe/ngày đêm, nhưng đến nay đã tăng lên 11.000 phương tiện/ngày đêm.
Thiếu làn vì… thiếu tiền ?
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ thuộc Bộ GTVT thừa nhận nguyên nhân khiến cao tốc thiếu làn là do… thiếu tiền. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Đơn cử như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được xây dựng theo đúng thiết kế của Bộ tại Quyết định 5019 ngày 31.12.2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc. Thiết kế phân kỳ có phương án bố trí cách quãng các đoạn dừng xe khẩn cấp ở cả 2 bên theo chiều xe chạy sao cho sau 6 – 10 phút chạy xe, xe dừng khẩn cấp vẫn có chỗ dừng. Lý do, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khó khăn, nếu các tuyến cao tốc rộng 17 m, 4 làn xe mà có làn dừng xe khẩn cấp liên tục sẽ tăng tổng mức đầu tư. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận xây dựng làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến ngay ở giai đoạn phân kỳ, tổng mức đầu tư sẽ tăng lên khoảng 17.000 – 18.000 tỉ đồng, tức thêm 5.000 – 6.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông đánh giá phương án “hạ nhiệt” dòng tiền bằng cách làm đường quy mô nhỏ, ít làn là không phù hợp, sau muốn mở rộng rất khó vì chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Cứ như thế, các dự án mở rộng, hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc nối đuôi nhau chậm tiến độ, trong khi hạ tầng hiện hữu nhanh chóng xuống cấp, hệ quả là ùn tắc, tai nạn liên miên.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật ô tô, ĐH Bách Khoa TP.HCM, chỉ rõ: Số làn xe trên đường cao tốc phụ thuộc vào lưu lượng xe trên tuyến. Lưu lượng các loại xe hiện nay trên các tuyến đường bộ trọng yếu của VN đã là 25.000 – 35.000 xe/ngày đêm. Trong khi đó, số làn xe đang làm cho đường cao tốc ở VN hiện nay chỉ là 2 làn được thiết kế với quy mô lưu lượng 25.000 xe. Thế nên vào giờ cao điểm, ngày lễ, tết… đều bị quá tải, gây kẹt xe trầm trọng. Mới nhất, đường Vành đai 3 TP.HCM được thiết kế cho năm 2030 với lưu lượng 40.000 – 50.000 xe/ngày đêm cũng với 4 làn xe nhưng hiện nay trên các tuyến đường tương tự ở TP.HCM đã ghi nhận 25.000 – 40.000 xe/ngày đêm.
“Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc chỉ nên làm 1 giai đoạn, ưu tiên trước cho các tuyến xương sống quốc gia, vùng. Nếu chúng ta làm 2 giai đoạn thì khi thi công giai đoạn 2 sẽ lại gây khó khăn ngay cho sự lưu thông xe cộ trên đoạn cao tốc giai đoạn 1, lãng phí 2 lần huy động nhân vật lực thi công, giải tỏa mặt bằng… Làm cho tương lai, có nghĩa là số làn đường, tốc độ chạy xe, làn dừng khẩn cấp phải theo những chuẩn mực quốc tế, làm đến đâu hoàn thiện đến đó”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.
Số ô tô/1.000 dân ở VN đang đạt tỷ lệ là 50/1.000, bằng 1/5 – 1/6 Thái Lan. Trong tương lai rất gần (giai đoạn 2025 – 2030) thì lượng ô tô ở VN sẽ tăng rất nhanh, ít nhất cũng bằng Thái Lan hiện nay. Điều đó đồng nghĩa lưu lượng xe trên các đường cao tốc cũng sẽ tăng theo, lên đến trên 75.000 xe/ngày đêm hoặc cao hơn. Vì thế, các đường cao tốc hiện đang thiết kế và thi công cũng phải tính toán theo lưu lượng này, có nghĩa là số làn xe ít nhất cho mỗi hướng là 3 làn.
PGS-TS Phạm Xuân Mai