Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Bộ môn Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết Việt Nam có khoảng 50 – 100 loài nấm độc khác nhau. Trong đó có 4 loại nấm độc thường gặp nhất ở Việt Nam là nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám, nấm ô tán trắng phiến xanh.
Các dấu hiệu nhận diện nấm độc người dân có thể lưu ý như cây nấm có đủ các thành phần như mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bên trong thân cây nấm có màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.
Chất độc có thể nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.
“Người dân không tự ý ăn bất kỳ một loại nấm nào mà không biết chắc chắn về nó, thận trọng tra cứu cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Khi có bất cứ dấu hiệu ngộ độc nào sau khi ăn nấm thì phải đi ngay đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời”, tiến sĩ Triết khuyến cáo.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết mùa mưa là thời điểm nấm mọc nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch nấm. Tuy nhiên nếu không có kiến thức nhận biết nấm độc thì nguy cơ ngộ độc là rất cao.
“Ví dụ như thời gian gần đây rộ lên thông tin về nấm trứng gà bổ dưỡng, tuy nhiên khi người dân đi thu hoạch nấm hoang dã, không biết chính xác về loại nấm này có thể nhầm giữa nấm độc và nấm dinh dưỡng”, bác sĩ Ngân cho biết.
Các tình trạng nhiễm độc do ăn nấm có thể biểu hiện ngay sau khi ăn hoặc sau 6-8 tiếng. Khi có biểu hiện ngộ độc, một số người thấy các triệu chứng giống rối loạn tiêu hóa nên thường tự theo dõi ở nhà, dẫn đến diễn tiến nặng nhanh.
Do đó, bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân nên sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng, được xác định bởi các chuyên gia, bởi các loại nấm độc và nấm dinh dưỡng dễ bị nhầm lẫn.