Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 công lập của Hà Nội có hai phần. Phần I (6,5 điểm) các câu hỏi xung quanh văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
Phần II (3,5 điểm): Ngữ liệu được trích trong cuốn “Sống có giá trị” tương đối ngắn.
Sau khi kết thúc buổi thi, các thầy cô giáo của Hệ thống giáo dục HOCMAI đã đưa ra gợi ý đáp án.
Theo đó, ở Phần I, câu 1, yêu cầu học sinh nêu hoàn cảnh sống và công việc của ba nữ thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Gợi ý đáp án cho thấy, trong bài thí sinh cần chỉ ra, ba cô gái thanh niên xung phong sống ở một cái hang dưới chân một cao điểm, nằm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.
Công việc của họ có nhiệm vụ hàng ngày quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.
Ở câu 2, đề yêu cầu “sự im lặng” được nói tới báo hiệu điều gì sắp xảy ra. Theo các thầy cô của Hệ thống giáo dục HOCMAI thì trong đoạn trích trên “sự im lặng” báo hiệu máy bay địch chuẩn bị ném bom.
Hành động của Nho “chụp cái mũ sắt lên đầu” đã cho thấy Nho là cô gái luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Hành động của chị Thao “móc bánh bích quy trong túi, thong thả nhai” cho thấy chị là một người bình tĩnh, nhiều kinh nghiệm.
Hành động của cả hai nhân vật trước điều sắp xảy ra cho thấy cả Nho và Thao đều là những cô gái thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Câu 3, đề yêu cầu: viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận tổng hợp để làm rõ tình đồng đội của Nho, Thao và Phương Định. Các thầy cô cho rằng, bài viết phải giới thiệu khái quát về hoàn cảnh sống và làm việc của các nhân vật như: chiến đấu tại một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt.
Công việc hàng ngày của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.
“Đây là công việc mạo hiểm, cận kề với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức” – chuyên gia nhận định.
Bài viết cũng giới thiệu khái quát về các nhân vật như Phương Định vốn là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng.
Chị Thao ít nhiều có từng trải hơn, chiến đấu dũng cảm, bình tĩnh, nhưng lại rất sợ khi nhìn thấy máu.
Nho có ngoại hình nhỏ nhắn, tính tình còn trẻ con, nhưng khi chiến đấu thì dũng cảm, hành động nhanh gọn.
Các nhân vật là những người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, dũng cảm và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy.
Tình đồng đội của ba nhân vật thể hiện, họ quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo: Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận, lo lắng, bồn chồn khi thấy đồng đội phá bom chưa về,…
Khi làm việc, họ phối hợp ăn ý, Nho và Phương Định lắng nghe theo phân công của chị Thao, nhưng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về bản thân.
Trong đời sống tinh thần ba cô gái gắn bó, thân thiết, hiểu được tính tình, sở thích của nhau.
Họ là những cô gái có tình đồng đội gắn bó, thắm thiết cao đẹp, tình đồng đội này là biểu tượng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Đối với câu 4 yêu cầu kể tên tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ Văn 9 viết về thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến Chống Mỹ. Đáp án là bài thơ về tiểu đội xe không kính – tác giả Phạm Tiến Duật.
Phần II: Câu 1: đáp án một thành phần biệt lập phụ chú có trong đoạn thư trên: “dù là thể xác hay tinh thần, dù là vết xước nhỏ hay nỗi đau sâu”.
Câu 2, học sinh nêu cảm nhận về tấm lòng người bố được bộc lộ qua những lời tâm sự với con: đó là người bố quan tâm, luôn dõi theo từng bước đi của con hàng ngày.
Người bố tự trách mình vì những hành động không kiểm soát được cảm xúc, gây ra tổn thương cho con. Người bố thấu hiểu và luôn trăn trở, lo lắng cho con. Tấm lòng của người bố: yêu thương và sẵn sàng làm tất cả để con luôn hạnh phúc.
Câu 3, các thầy cô của Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, học sinh cần hiểu được vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân.
Bàn luận xác đáng về vấn đề cần nghị luận: thể hiện được chính kiến cá nhân một cách thuyết phục; nội dung phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Trong bài viết phải giải thích được như thế nào là làm chủ cảm xúc bản thân? Làm chủ cảm xúc là khả năng nhận diện, theo dõi, phân biệt được cảm xúc của bản thân để từ đó đưa ra những quyết định, hành động phù hợp với những tình huống khác nhau.
Bài viết cũng khẳng định làm chủ cảm xúc bản thân là kĩ năng vô cùng quan trọng với mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.
Trong bài viết, học sinh cũng phải nêu rõ được, làm chủ cảm xúc của bản thân sẽ giúp ta có thể xử lý các tình huống một cách sáng suốt, hiệu quả mà không bị cảm xúc chi phối, điều khiển.
Làm chủ cảm xúc của bản thân cũng sẽ giúp giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa với mọi người.
Làm chủ cảm xúc của bản thân sẽ giúp ta tự tin hơn trong giao tiếp, giúp chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá, phán xét của người khác, từ đó hình thành tinh thần lạc quan, đầy năng lượng.
Dẫn chứng: Trong mối quan hệ gia đình (giữa cha mẹ – con cái), khi nóng giận nếu không làm chủ được cảm xúc thì cha mẹ có thể gây ra tổn thương cho con cái.
Trong mối quan hệ bạn bè, có rất nhiều vụ bạo lực học đường xuất phát từ việc không làm chủ được cảm xúc bản thân, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Bài viết cần mở rộng theo hướng, phê phán những người chỉ sống theo cảm xúc, để cảm xúc chi phối, kiểm soát hành động và gây ra những sai lầm đáng tiếc. Cần phân biệt giữa làm chủ cảm xúc của bản thân và không dám đối diện với cảm xúc thật của bản thân.
Trong bài viết phải rút ra được bài học nhận thức và hành động. Nhận thức tầm quan trọng của kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân – một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Xây dựng cho bản thân kỹ năng làm chủ cảm xúc như: hạn chế tối đa những suy nghĩ căng thẳng, tiêu cực, tập trung vào vấn đề cần giải quyết, học cách đối mặt với khó khăn, giữ thái độ bình tĩnh trong mọi tình huống,…
Sau đây là đề thi: