(HG) – Tại cuộc họp vào ngày 22-6 cùng các sở, ngành có liên quan và huyện, thị, thành, góp ý hoàn thiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, về bố cục của đề án, những chỉ tiêu và giải pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp thu, bổ sung để hoàn chỉnh đề án một cách nhanh chóng, để trình UBND tỉnh thông qua. Cần quan tâm đến việc rà soát để đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, để có chỉ tiêu, giải pháp phù hợp, có hiệu quả, nhằm tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản văn hóa này”.
Đờn ca tài tử sẽ tiếp tục được bảo vệ, phát huy từ Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
Đề án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật đã UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống tinh thần của Nhân dân, phát huy các nguồn lực để thực hiện đề án, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào đờn ca tài tử trong cộng đồng.
Đề án có những mục tiêu, chỉ tiêu và những giải pháp thực hiện cụ thể, điểm nhấn là xây dựng mỗi huyện, thị, thành phố ít nhất là 1 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên, gắn kết với phục vụ du lịch, xây dựng 5 gia đình tài tử, tổ chức 2 cuộc hội thảo về bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử, xây dựng 5 câu lạc bộ ca tài tử trong trường học, đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị, nhạc cụ cho các câu lạc bộ, điểm sinh hoạt tiêu biểu, kinh phí để thực hiện đề án khoảng 4,8 tỉ đồng…
V.TRÀ