(BGĐT)- Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đang có bước chuyển tích cực. Lượng du khách đến Bắc Giang không ngừng tăng. Các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống cùng ngành chức năng và chính quyền các cấp đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện ăn, nghỉ để “giữ chân” du khách.
Nhiều dịch vụ thực chưa đáp ứng nhu cầu
Dù mới hoàn thành xây dựng năm 2022 nhưng điểm du lịch nghỉ dưỡng “Homestay Cội Nguồn” (diện tích 7 nghìn m2) ở thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn (Lục Nam) đón hàng chục du khách đến trải nghiệm/ngày. Dịp cuối tuần và ngày lễ, lượng khách đến đây tăng lên hàng trăm người.
Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch Homestay Cội Nguồn. |
Anh Nguyễn Tiến Đồng, chủ Homestay Cội Nguồn chia sẻ, để thu hút khách, gia đình đã đầu tư gần 10 tỷ đồng làm 6 căn nhà gỗ lắp ghép hình hoa sen, khép kín, có máy điều hòa nhiệt độ, diện tích mỗi căn từ 15-30 m2. Ngoài ra, Homestay Cội Nguồn còn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 90 m2 x 2 tầng, 1 nhà ăn tập thể (sức chứa 60 người), bể bơi, 4 lán ăn ngoài trời…
Khách đến có thể đặt ăn hoặc thuê bếp tự chế biến rất thuận tiện. “Nhu cầu khách đặt phòng ăn, nghỉ lớn nhưng Homestay Cội Nguồn chỉ phục vụ tối đa 150 khách ăn, ngủ/ngày”, anh Đồng cho hay.
Được biết, gia đình anh Đồng đang góp vốn xây dựng thêm điểm du lịch “Ngôi nhà bên suối”, diện tích 1,2 ha, cách Homestay Cội Nguồn khoảng 1 km, dọc theo suối Nước vàng, thôn Đồng Vành 2. Hiện điểm du lịch này đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác. Nhờ phong cảnh đẹp, đa dạng món ăn đặc sản bản địa, cùng nhiều tiện ích nghỉ dưỡng với giá phục vụ phù hợp nên lượng khách đến đây khá đông.
Tại Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động), thời điểm này, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 khách đến trải nghiệm. Những ngày cuối tuần, lượng khách tăng gấp đôi bởi du khách muốn trải nghiệm tắm suối, hòa mình vào thiên nhiên sau những ngày nắng nóng. Theo anh Vũ Ngọc Huân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng xã An Lạc, lượng khách đa phần chỉ đi về trong ngày, khách nghỉ qua đêm tại đây rất ít.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Giang hiện có 13 khu, điểm du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch. Tỉnh có 250 hộ dân tham gia hoạt động du lịch tại 35 điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ). Trong đó, có 2 điểm DLCĐ vừa được công nhận là Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) và Bầu Tiên, xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Cùng với các điểm du lịch nêu trên, những khu, điểm du lịch còn lại và hơn 740 di tích lịch sử – văn hoá của tỉnh đã được xếp hạng cũng đang hút khách trong và ngoài nước, nhất là trong mùa vải chín.
Ước 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đón khoảng 1,29 triệu lượt khách du lịch, tăng 44,4%; doanh thu ước đạt 690 tỷ đồng, tăng 26%, so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lượng khách lưu trú qua đêm thấp, chỉ khoảng 15%, nhất là tại các điểm DLCĐ. Nguyên nhân là do dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cơ sở hạ tầng, bãi đỗ xe còn thiếu; sản phẩm du lịch ít, chất lượng chưa cao; nguồn nhân lực, dịch vụ vận chuyển khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu…
Nâng chất lượng hạ tầng dịch vụ
Toàn tỉnh hiện có 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (tăng khoảng 20% so năm 2020), gồm: 1 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao, còn lại là cơ sở kinh doanh nhà nghỉ du lịch với khoảng 5 nghìn phòng nghỉ. So với lượng khách đến Bắc Giang trong 6 tháng đầu năm nay và dự tính sẽ tiếp tục tăng theo hàng năm thì số phòng này khá khiêm tốn. Cùng với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ bếp ăn tập thể) song hầu hết có quy mô nhỏ, thuộc tuyến phường, xã, chưa đáp ứng các đoàn khách lớn.
Tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách tại điểm DLCĐ Bản Ven. |
Đến nay tỉnh đã cơ bản hình thành và khai thác có hiệu quả 4 không gian du lịch trọng tâm gồm: Hà Nội – TP Bắc Giang – Lục Ngạn – Sơn Động; không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” (Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); không gian DLCĐ gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế); không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam).
Tỉnh chú trọng phát triển DLCĐ bằng việc triển khai Đề án phát triển DLCĐ tỉnh giai đoạn 2022-2030. Dù vậy, việc phát triển du lịch, nhất là DLCĐ còn nhiều khó khăn, như: Công tác quy hoạch còn hạn chế; các dự án đầu tư về du lịch chậm triển khai; nhà đầu tư chiến lược lớn mới dừng ở nghiên cứu, lập quy hoạch…
Toàn tỉnh hiện có 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (tăng khoảng 20% so năm 2020) với khoảng 5 nghìn phòng nghỉ; hơn 1,2 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ bếp ăn tập thể). |
Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh các địa phương, tiếp tục duy trì và phát triển du lịch nói chung, DLCĐ nói riêng trong thời gian tới, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đã đề ra. Cùng với các nguồn lực hỗ trợ khác, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Dự thảo gồm các chính sách hỗ trợ: Lập quy hoạch chi tiết điểm DLCĐ; đầu tư xây dựng nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nhà có phòng cho khách du lịch thuê; làm đường giao thông nội bộ, xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực điểm DLCĐ; mua hoặc đóng thuyền, xe điện vận chuyển khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, nếu Nghị quyết được thông qua, dự kiến mỗi điểm DLCĐ sẽ được hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, tỉnh phấn đấu giai đoạn từ 2023 – 2030 các điểm DLCĐ có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. 100% nguồn nhân lực quản lý, phục vụ trực tiếp được đào tạo cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu phục vụ. Các điểm DLCĐ có đa dạng sản phẩm dịch vụ đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của khách, được tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần “giữ chân” du khách lâu hơn.
Bài, ảnh: Thế Đại
“Nâng cánh” du lịch đất Phượng Hoàng
(BGĐT) – Nhiệm kỳ này, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) xác định phát triển 3 loại hình du lịch gồm: Văn hóa – tâm linh; sinh thái – nghỉ dưỡng; vui chơi – giải trí – thể thao và các sản phẩm du lịch khác mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của huyện.
Sơn Động: Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch
(BGĐT) – Sơn Động (Bắc Giang) là huyện vùng cao với 30 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57%. Mỗi dân tộc lại có truyền thống riêng. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện ban hành nhiều đề án, kế hoạch.