Chế độ ăn uống, học tập, nghỉ ngơi điều độ
Ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Fudubank tại TP.HCM (chuyên về kỹ năng) cho rằng, để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi, sĩ tử cần có một chế độ ăn uống, học tập và nghỉ ngơi điều độ.
Theo ông Thanh, sĩ tử cần giữ sức khỏe ổn định và tinh thần tốt nhất. Cần ăn đủ chất, uống đủ nước, có thể bổ sung thêm vitamin B từ chuối, các loại hạt. Thí sinh không nên thức quá khuya, không dậy quá sớm và cần đảm bảo ngủ đủ giấc.
“Không nên vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Đặc biệt, đừng thức quá khuya sẽ không tốt cho sức khỏe và tinh thần, dễ bị ngủ quên và trễ giờ thi”, ông Thanh lưu ý.
Ông Thanh lưu ý thêm, ngày thi, sĩ tử tuyệt đối không được nhịn ăn. Phải ăn những thực phẩm nấu chín và có thể ăn nhẹ trước giờ thi 30 phút để bổ sung thêm năng lượng. Buổi trưa cần chợp mắt 15 – 20 phút để lấy năng lượng, giúp tinh thần tỉnh táo và làm bài tốt hơn vào buổi chiều. Tránh ăn những thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc.
“Tự tin vào bản thân, thí sinh đã chiến thắng được 50%, phần còn lại là do nỗ lực của mỗi thí sinh, ông Thanh nói.
Bí quyết để làm bài đạt điểm cao
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho rằng, thời gian ít ỏi còn lại, thí sinh tuyệt đối không tự tạo áp lực bằng việc nhồi nhét thêm kiến thức.
“Thay vì cứ miệt mài học, đọc và giải đề hay cố gắng tủ một bài nào đó thì hãy dành thời gian nghe nhạc, chơi thể thao nhẹ nhàng, đi ăn uống cùng gia đình để đầu óc thư giãn. Hãy nhớ không căng thẳng thì kiến thức tích luỹ được sẽ “khứ hồi” về não bộ nhiều hơn”, thầy Phú nói.
Với môn Ngữ văn, thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) lưu ý, để làm bài tốt, thí sinh nên dành thời gian coi lại phương pháp làm bài, trong đó cần lưu ý cách thức xây dựng luận điểm để triển khai một đoạn trích văn học, đừng học tủ mà hãy học hiểu. Học hiểu sẽ có tác dụng giúp thí sinh xoay xở được các tình huống mà bản thân mình gặp phải.
“Nếu muốn an tâm, hãy xem lại các văn bản mà mình “sợ” nhất. Còn các văn bản đã hiểu thì hãy cứ tạm “lơ” nó đi”, thầy Nghĩa nói.
Thầy Nghĩa lưu ý thêm:
Câu đọc hiểu là câu dễ lấy điểm nhất, không thuộc bài, không học bài cũng có thể làm được. Chỉ cần đọc kỹ ngữ liệu, xử lý câu hỏi cho đúng – đủ là có thể lấy trọn vẹn câu này.
Câu hỏi đọc hiểu cần chú ý xác định nơi tìm đáp án trước khi trả lời. Có thể đáp án nằm ở ngoài ngữ liệu hoặc ngay trong ngữ liệu. Do đó, đọc thật kỹ đề, bình tĩnh thật nhiều để xử lý thông tin của lệnh đề.
Câu đoạn văn là câu cần xác định rõ là đang viết đoạn, không phải viết bài để không xuống dòng. Cần xác định rõ các ý cần viết theo vấn đề Nghị luận mà đề yêu cầu. Hãy tìm ý trước khi viết. Ưu tiên viết nhiều ý chứ không phải một ý mà phân tích dài dòng.
Câu phân tích đoạn trích văn học, thí sinh hãy nhớ dù có ra sao phải thể hiện đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Thân bài phải tách đoạn. Cố gắng diễn giải những chi tiết văn học, ý thơ, tâm trạng nhân vật… theo cách hiểu của mình thông qua lời thầy cô đã dạy. Tránh suy diễn viết lung tung, dài dòng và tuyệt đối tránh hiểu sai theo hướng bạo lực, chửi bới…
“Hãy viết sao cho giám khảo thấy bản thân mình cảm nhận được từng câu chữ mà đoạn trích văn học gợi ra. Chỉ cần nhớ nó các em sẽ tuyệt đối không thể liệt môn này và cũng không thể dưới điểm trung bình”, thầy Nghĩa đưa ra lời khuyên.
Lâm Ngọc
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo