Phớt lờ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai, bị can Doãn Văn Hưởng trên cương vị Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký các văn bản trái pháp luật, không đúng thẩm quyền.
Các văn bản này đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama, Công ty Apatit Việt Nam khai thác trái phép quặng apatit tại khu đất có diện tích 3,77 ha tại xã Đồng Tuyển (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trong khi thực hiện dự án nhà hàng khách sạn.
Đối với dự án này, ngày 4.2.2013, Kiểm toán Nhà nước có Văn bản số 99 thông báo kiến nghị kiểm toán của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam, trong đó chỉ rõ: việc UBND tỉnh Lào Cai giao cho Công ty Apatit Việt Nam và Công ty Apatit Việt Nam giao cho Công ty Lilama cải tạo mặt bằng chống sạt lở kết hợp tận thu quặng apatit (thực hiện theo Văn bản số 839 của UBND tỉnh Lào Cai ngày 11.4.2012) là trái với quy định của luật Khoáng sản; thẩm quyền cho phép khai thác thu hồi quặng không thuộc UBND tỉnh Lào Cai và không thuộc Công ty Apatit Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 20.5.2013, bị can Doãn Văn Hưởng đã ký Văn bản số 1717 về việc thực hiện các biện pháp quản lý khoáng sản trong khu vực thi công dự án khách sạn, nhà hàng trên khu đất 3,77 ha. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai xác định, đây là văn bản cho phép Công ty Lilama khai thác quặng apatit tại dự án khách sạn, nhà hàng thuộc khai trường 18 để bán cho Công ty Apatit Việt Nam thông qua cụm từ: “gom “, “thỏa thuận”, “thống nhất” “tập kết”, “quản lỷ”, “sử dụng”.
Sau đó, đến ngày 9.9.2013, ông Doãn Văn Hưởng tiếp tục ký Văn bản số 3389 trong đó có nội dung: UBND tỉnh yêu cầu Công ty Lilama phải hạn chế tối đa san gạt hạ thấp độ cao, phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên để giảm chi phí đầu tư xây dựng và không san gạt vào thân quặng (nếu có), không tự ý mở rộng diện tích sang khu vực liền kề và không làm ảnh hưởng đến diện tích đất và các công trình lân cận. Thực hiện đúng nội dung Văn bản số 1717 ngày 20.5.2013 của UBND tỉnh Lào Cai. Thường xuyên lấy mẫu để phân tích tiềm năng khoáng sản, nếu phát hiện có khoáng sản trong quá trình san gạt phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định tại điều 65, luật Khoáng sản. Công ty Lilama hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc báo cáo kết quả phân tích mẫu để xác định tiềm năng khoáng sản trong quá trình san gạt. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh, Sở TN-MT để theo dõi, quản lý.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai xác định bị can Hưởng ký Văn bản 3389 là khẳng định Văn bản 1717, trái với quy định tại điều 65, điều 67 và điều 82 của luật Khoáng sản năm 2010.
Bản thân bị can Hưởng biết việc cho phép Công ty Lilama thu gom quặng apatit trong quá trình thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng là sai nhưng vẫn ký Văn bản 1717 để cho Công ty Lilama khai thác trái phép khoáng sản tại dự án khách sạn, nhà hàng thuộc khai trường 18, nằm trong quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt, quyền cấp phép thuộc Bộ TN-MT.
Bất tuân chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Cũng theo kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai khẳng định, hồ sơ thu thập trong vụ án có đủ căn cứ xác định bị can Doãn Văn Hưởng là người thực hiện công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Bị can Doãn Văn Hưởng đã biết rõ diện tích 3,77 ha thuộc khai trường 18 được Bộ Công thương quy hoạch khoáng sản quặng apatit. Bên cạnh đó, theo nội dung thông báo trong Công văn số 6033 ngày 30.8.2011 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.
Bị can Hưởng biết đây là mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp trữ lượng quặng apatit rất lớn, biết thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT, không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Doãn Văn Hưởng không chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, khi các sở ngành tham mưu, soạn thảo, trình các văn bản không đúng quy định pháp luật, ông Hưởng không chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn, không chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo luật Khoáng sản 2010; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, nhiệm vụ ký Văn bản số 1717 và Văn bản số 3389 và ghi ý kiến bút phê vào các văn bản, tài liệu khác có liên quan không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật.
Căn cứ vào văn bản này, từ năm 2013 đến 2015, Công ty Lilama đã khai thác, tiêu thụ trái phép tại khai trường 18 tổng số lượng quặng apatit hơn 1,3 triệu tấn, trị giá trên 517 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Lilama thu lợi bất chính trên 179 tỉ đồng. Hành vi vi phạm của bị can Hưởng đã làm mất nguồn dự trữ apatit của quốc gia, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm các điều 65, 67 và 82 luật Khoáng sản năm 2010.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai cáo buộc hành vi của bị can Hưởng là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đã phạm vào tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, điều 28, bộ luật Hình sự năm 1999, bị can đồng phạm với vai trò giúp sức.