Với lối diễn tấu đối đáp cả nhạc cụ và người chơi, nghệ thuật múa trống đôi của người Ba Na và người Chăm (huyện Đồng Xuân) toát lên sự phóng khoáng, ngẫu hứng và độc đáo.
Màn múa trống đôi của các nghệ nhân ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân. Ảnh: THIÊN LÝ |
Có mặt trong ngày lễ hội tại xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, chúng tôi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân người Ba Na say sưa múa trống đôi. Các cặp thanh niên đứng đối diện nhau, trống đeo ngang trước bụng, dùng bàn tay ve vuốt, vỗ trên bề mặt trống, người nhún nhảy, lắc lư, nghiêng bên này, ngó bên kia rất sống động. Âm thanh hai trống hòa quyện linh hoạt, có cảm giác như một cuộc đối thoại, người này hỏi, người kia trả lời.
Đối đáp bằng âm thanh và hình thể
Trống đôi là nhạc cụ được dùng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên nói chung và người Ba Na ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) nói riêng. Đặc biệt là trong dịp lễ hội đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe…, múa trống đôi (K’toang) là điểm nhấn, cầu nối giữa con người với các đấng thần linh.
Theo già Đoàn Văn Tươi, người có nhiều kinh nghiệm múa trống đôi ở thôn 1, xã Đa Lộc, trống đôi gồm trống đực và trống cái. Người múa trống đôi phải là nam, có sức khỏe tốt. Bởi trong quá trình múa trống, họ phải thực hiện, kết hợp nhuần nhuyễn các động tác rất phức tạp.
Mỗi người một trống và múa theo nhịp từ chính đôi bàn tay của họ tạo ra, tiết tấu lúc thưa nhặt, lúc dồn dập, âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau. Tất cả biến hóa đa dạng, gợi cho người nghe về âm thanh róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn.
Già Tươi cho hay: “Người ta gọi là múa trống đôi mà không gọi là đánh trống bởi cách biểu diễn của trống đôi có sự khác lạ. Các động tác trong lúc múa trống được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú. Múa trống đôi không dễ bởi đòi hỏi trí lực. Trống thì nặng mà tay lại phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, tung lên, bật xuống, nhún nhảy… Vì thế, người múa phải có sức khỏe”.
Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng, đó là thông qua tiếng trống, điệu múa của hai nghệ nhân biểu diễn có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp, chuyện trò thực thụ. “Để tiếng trống của hai người không lỗi nhịp, mà hòa quyện vào nhau là phần khó nhất mà cũng là dễ nhất. Bởi nếu yêu quý nhau, âm điệu hai trống hòa quyện, nghe hay, tình cảm.
Ngược lại, tiếng trống đốp chát, giận dữ như cãi nhau. Múa trống đôi nghĩa là trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, nghe múa trống đôi, ta có thể đoán được tâm trạng vui, buồn, nhớ nhung hay trách móc…”, già Tươi chia sẻ.
Gìn giữ bản sắc
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, thông thường, người Ba Na hòa tấu trống đôi cùng với cồng ba, chiêng năm tạo không khí sôi động cho các lễ hội. Xưa, loại nhạc khí này được coi là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh. Nay, trong các sinh hoạt cộng đồng, vui chơi ca hát, múa trống đôi là tiết mục không thể thiếu.
Không chỉ múa trống đôi các lễ hội ở buôn làng, nhiều nghệ nhân của xã Đa Lộc tham gia biểu diễn tại các lễ hội quy mô hơn như: Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân, Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc tỉnh Phú Yên, để lại những ấn tượng khó quên.
Tham gia biểu diễn trống đôi ở các ngày hội này, anh Lê Văn Điệp ở thôn 5, xã Đa Lộc chia sẻ: “Trống đôi của người Ba Na có từ lâu đời. Tôi lớn lên, bước vào đời là tập múa trống. Đây là bản sắc văn hóa truyền thống của ông bà để lại nên tôi và nhiều thanh niên trong buôn làng tiếp nối cha ông”.
“Âm thanh của trống đôi đã ăn sâu vào tâm trí của tôi lúc nào không hay. Giờ đây, tôi cảm thấy yêu thích chúng hơn bao giờ hết. Nhìn các anh, các chú đi trước truyền cảm hứng, tôi nhận ra rằng, mình cần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cùng lan tỏa niềm đam mê ấy cho nhiều người trẻ hơn nữa”, anh Yo Y Nơi ở thôn 1 nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Nghệ thuật trình diễn trống đôi kết hợp với cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm và Ba Na (huyện Đồng Xuân), được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia vào tháng 2/2016. Hiện nay, nghệ thuật này đã và đang trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút đông đảo du khách tham gia, tìm hiểu và trải nghiệm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa và du lịch Phú Yên. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật trình diễn trống đôi là việc làm cần thiết và cấp bách”.
Để tiếng trống của hai người không lỗi nhịp, mà hòa quyện vào nhau là phần khó nhất mà cũng là dễ nhất. Bởi nếu yêu quý nhau, âm điệu hai trống hòa quyện, nghe hay, tình cảm. Ngược lại, tiếng trống đốp chát, giận dữ như cãi nhau. Múa trống đôi nghĩa là trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, nghe múa trống đôi, ta có thể đoán được tâm trạng vui, buồn, nhớ nhung hay trách móc…
Già Đoàn Văn Tươi ở thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân |
THIÊN LÝ