Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống thiên tai – Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo một sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Văn Khước chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh Thế Hùng
Bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc biển đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15, từ chiều nay (17/7) bão có thể gây gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là khu vực phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quyét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Tập trung ứng phó với bão số 1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.Tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về tránh trú an toàn.
Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và trên các đảo.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Thanh Hóa chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.
Tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nhấn mạnh: Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh. Bão có khả năng đổ bộ vào các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và ảnh hướng đến tỉnh Vĩnh Phúc.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ do bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”.
Rà soát, đảm bảo hoàn thành việc khơi thông các tuyến kênh tiêu, trục tiêu, cống tiêu, đảm bảo sẵn sàng vận hành tiêu thoát khi có mưa lũ, ngập úng xảy ra. Đối với các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống có thể xảy ra; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Đồng thời, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Hồng Tính