Nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị là những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đang quyết liệt triển khai nhằm đưa Vĩnh Phúc tiến một bước dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Một góc Khu công nghiệp Phúc Yên
Nhiều năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn được coi là 1 trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác quy hoạch với phương châm “Quy hoạch luôn đi trước 1 bước”. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong hơn 2 năm qua, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch được quan tâm thiết thực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác lập, quản lý nhà nước về quy hoạch; chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác quản lý và thực hiện quy hoạch; tổ chức rà soát, kiểm tra trách nhiệm đối với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, 9/9 UBND cấp huyện và 136/136 UBND cấp xã, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về công tác phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, giai đoạn 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng; 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Đối với công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố lân cận, trong vùng… Đến nay, quy hoạch tỉnh đã hoàn thành 7/9 bước đang trình Hội đồng thẩm định tỉnh.
Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện với tổng chiều dài đường bộ đạt hơn 7.100 km. Đã có một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã được triển khai, đề xuất đầu tư và hoàn thành trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Về hạ tầng điện, hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng hoàn thiện với 42,8 km mạch kép lưới điện 500kV; 53,1 km lưới điện 220kV; 15 đường dây 110kV với tổng chiều dài 125km đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn.
Về hạ tầng thương mại, cùng với hệ thống hạ tầng chợ, trung tâm thương mại được đầu tư đáp ứng nhu cầu của nhân dân; giai đoạn 2020-2023, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng logicstics và hạ tầng chợ đầu mối.
Hiện tại, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng (là trung tâm logistic thông minh tầm quốc tế) chuẩn bị đi vào họat động, kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề logistics thông suốt, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, chợ đầu mối Thổ Tang cũng đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Về hạ tầng cung cấp nước sạch, các nhà máy nước sạch tập trung đang hoạt động và triển khai đầu tư trên địa bàn có công suất khoảng 356.000 m3/ngày.đêm. Hiện có 3 dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước đang đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp gồm là Sông Hồng, Sông Lô và Phúc Bình… với tổng công suất cấp nước tại các đô thị là 134.500m3/ngày.đêm. Tỷ lệ dân số đô thị được bao phủ dịch vụ cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 77,5% (riêng thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên đạt 94%).
Tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt việc cấp nước sạch cho các xã nông thôn, dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành việc cấp nước cho các xã gặp khó khăn về nguồn nước, đảm bảo tỷ lệ nước sạch nông thôn đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Hạ tầng thoát nước thải, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA về quản lý nguồn nước và ngập lụt được đẩy nhanh tiến độ, nhiều dòng sông, tuyến kênh được khơi thông dòng chảy, các thủy vực chứa nước thải trong khu dân cư được nạo vét và hệ thống rãnh thoát nước thải khu vực nông thôn được đầu tư… Hệ thống lưới điện từ cao áp đến lưới điện trung áp, lưới điện hạ áp được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của tỉnh.
Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – điểm nhấn quy hoạch kiến trúc của đô thị Vĩnh Phúc những năm qua
Hạ tầng mạng lưới, dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp hoạt động bưu chính. Doanh thu lĩnh vực bưu chính, viễn thông năm 2022 ước đạt 2.600 tỷ đồng.
Hạ tầng mạng lưới, dịch vụ viễn thông trên toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ. Toàn tỉnh có 2.888 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%, đã phát sóng thử nghiệm 2 trạm 5G của Viettel.
Đã thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đã kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.
Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh. Nhiều công trình y tế lớn đã được triển khai đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Một số công trình y tế tuyến huyện đã và đang được triển khai đầu tư như Trung tâm Y tế các huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường, Sông Lô, Yên Lạc, Lập Thạch, Phúc Yên…
Hạ tầng giáo dục được tăng cường đầu tư, hoàn thiện. Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tỉnh đã bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng mới 6 trường THCS chất lượng cao, dành hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các trường học đảm bảo đạt chuẩn quốc gia theo quy định; xây dựng không gian đọc sách trong trường học…
Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 517 cơ sở lưu trú du lịch với 8.697 buồng, 2.945 công nhân viên, người lao động. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; trong đó có 5 đơn vị có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế với thị trường khách chủ yếu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với những con số biết nói như trên, có thể tự tin khẳng định việc Vĩnh Phúc về đích là tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025 chỉ là vấn đề thời gian. Cao hơn nữa và xa hơn nữa thì mục tiêu thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai cũng đang xích lại rất gần.
Bài, ảnh: Quang Nam