Trong tháng 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7 đạt 26,20 tỉ kWh – tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 160,58 tỉ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 7 như sau: Thủy điện đạt 36,80 tỉ kWh, chiếm 22,9%. EVN thông tin thêm, hiện các hồ miền Bắc tiếp tục có nước về rất kém, chỉ đạt 30 – 60% trung bình nhiều năm, gần như chưa có lũ.
Ngoài ra, nhiệt điện than đạt 79,95 tỉ kWh, chiếm 49,8%. Báo cáo cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã thực hiện giao khối lượng than tăng thêm so với hợp đồng, đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than được sản xuất với sản lượng điện cao hơn và dự trữ tồn kho cũng tăng thêm.
Năng lượng tái tạo đạt 22,11 tỉ kWh, chiếm 13,8% (trong đó điện mặt trời đạt 15,48 tỉ kWh, điện gió đạt 6,06 tỉ kWh). Tua bin khí đạt 18,01 tỉ kWh, chiếm 11,2%. Theo EVN, lượng khí cấp còn thấp so với nhu cầu vận hành các nhà máy điện khí (do các mỏ khí đã suy giảm); nhiệt điện dầu 1,23 tỉ kWh, chiếm 0,8% và điện nhập khẩu đạt 2,22 tỉ kWh, chiếm 1,4%.
Đáng lưu ý, cách đây 1 năm, sản lượng điện trên toàn hệ thống cũng tăng.
Cụ thể, tính hết tháng 7.2022, tổng sản lượng toàn hệ thống đạt 158,02 tỉ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, sản lượng thủy điện đạt 52,58 tỉ kWh, chiếm 33,3%, cao hơn cùng kỳ năm nay 15,78 tỉ kWh. Trái lại, nhiệt điện than đạt 63,94 tỉ kWh, chiếm 40,5%, thấp hơn cùng kỳ năm nay hơn 16 tỉ kWh. Từ tháng 5 – 6, sản lượng sản xuất thủy điện liên tục sụt giảm, mực nước tại các hồ thủy điện về dưới mức báo động, nên nguồn thủy điện huy động giảm sút. Để bù lại, các nhà máy nhiệt than phải tăng công suất. Thế nên, mức tăng của nhiệt than năm nay tương đương mức giảm thủy điện.
Tuy vậy, số liệu cho thấy, nguồn năng lượng tái tạo năm ngoái so năm nay không có nhiều thay đổi. Tính hết tháng 7.2022, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 22,06 tỉ kWh, chiếm 14% (trong đó điện mặt trời đạt 16,54 tỉ kWh, điện gió đạt 5,24 tỉ kWh); hết tháng 7.2033 điện tái tạo đạt 22,11 tỉ kWh, chỉ tăng hơn 0,5 tỉ kWh, trong đó, điện mặt trời năm nay còn huy động thấp hơn năm ngoái 1,06 tỉ kWh.
Trong khi đó, năm nay, lưới có bổ sung thêm nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp sau khi đã đàm phán giá tạm thành công và được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm. Tính đến ngày 1.8, đã có 59/62 dự án hoàn tất đàm phán giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán điện thuộc EVN. Theo EVN, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm vận hành thương mại COD đến ngày 31.7.2023 đạt khoảng 211,7 triệu kWh; gồm sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.