Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, máy định vị C-arm (hệ thống chụp X-quang liên tục trong lúc mổ) mang lại hiệu quả và chất lượng sống sau mổ cột sống cho hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời xóa nỗi ám ảnh tai biến cho bệnh nhân và ngay cả chính phẫu thuật viên.
CHỈ 1 GIỜ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NỖI SỢ HÃI HÀNG CHỤC NĂM CỦA BỆNH NHÂN
Bệnh nhân Hoàng Hữu Khải (79 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng, hẹp ống sống cổ rất nặng khiến bị tê yếu tay chân, đi lại khó khăn. Không chỉ lớn tuổi mà chức năng tim bệnh nhân chỉ còn 30% do suy tim nặng. Bệnh nhân cũng có tiền sử nhồi máu cơ tim đã đặt stent mạch vành, kèm nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thận mạn. Bệnh nhân thăm khám nhiều nơi nhưng đều bị từ chối mổ cột sống do tiên lượng tử vong lên đến 70%.
NHIỀU LỢI ÍCH TỪ MÁY ĐỊNH VỊ C-ARM
Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh), máy định vị C-arm kết hợp với nhiều thiết bị hiện đại khác giúp mổ cột sống trở thành thường quy. Đặc biệt, hệ thống kính vi phẫu Opmi Vario 700 Zeiss giúp phẫu thuật viên phóng to phẫu trường từ 20 – 25 lần, nhìn thấu các dây thần kinh nhỏ nhất, giúp hạn chế tổn thương dây thần kinh và các mô lân cận, hạn chế nguy cơ yếu liệt cơ sau mổ.
Ở một số tổn thương xương khớp, sự hỗ trợ của máy định vị C-arm cũng giúp phẫu thuật viên không cần rạch da để xử lý. Phẫu thuật viên chỉ cần nắn chỉnh trục, chỉnh các sai lệch giải phẫu gián tiếp qua da và cố định các xương khớp tổn thương bằng đinh vít, đồng thời kiểm soát đường đi của các dụng cụ, giúp dụng cụ đặt ở vị trí chính xác trong xương.
Với tính năng nhìn rõ các cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân, máy định vị C-arm còn hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu về tim mạch và chụp mạch máu, đặt stent và đặt đường truyền, điều trị các bệnh tiêu hóa – gan mật – tụy, tiết niệu, tim mạch… Tất cả giúp tăng tỷ lệ thành công cho các ca điều trị bằng mổ xâm lấn tối thiểu, hạn chế nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện và dùng thuốc cho bệnh nhân.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, hầu hết những bệnh nhân đến thăm khám và được mổ cột sống tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đều lớn tuổi, nhiều bệnh nền, điều trị nội khoa không còn đáp ứng. Vấn đề mổ cột sống trước đây được xem là cuộc đại phẫu, là nỗi sợ hãi hàng đầu của bệnh nhân. Những thiếu sót trong quá trình mổ khiến nhiều bệnh nhân gặp tai biến, tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh tủy sống dẫn đến yếu liệt tứ chi, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Do vậy, việc sử dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn dưới sự hỗ trợ đắc lực của máy định vị C-arm mang lại hy vọng điều trị triệt để và an toàn cho bệnh nhân đã được triển khai tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh nhiều năm qua.
“Với trường hợp ông Khải, chúng tôi liên tiếp thực hiện hai cuộc mổ. Cuộc mổ thứ nhất bắt vít cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Trong lần mổ thứ 2 là đặt đường tĩnh mạch trung tâm, tiên lượng bệnh nhân hạ huyết áp nên đã gắn sẵn đường truyền thuốc trợ tim. Nhờ thực hiện can thiệp tối thiểu dưới sự hỗ trợ của máy định vị C-arm, bác sĩ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng 1 giờ, ca mổ cột sống thành công”, tiến sĩ – bác sĩ Nam Anh nói.
KIỂM SOÁT CUỘC MỔ MANG LẠI CHẤT LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN
Theo tiến sĩ – bác sĩ Nam Anh, để thực hiện ca mổ cột sống xâm lấn tối thiểu, bác sĩ rạch vết mổ nhỏ khoảng 2 cm ở vị trí định sẵn và đưa ống nong đi vào cơ thể cùng hệ thống robot cảnh báo các trường hợp tiếp cận dây thần kinh giúp định vị cho các dụng cụ khác. Cùng với đó, cánh tay C-arm có khả năng thực hiện nhiều chuyển động trong một quy trình, đó là chụp X-quang liên tục trong quá trình mổ giúp bác sĩ thuận lợi tiếp cận cột sống, bắt các vít xuyên qua chân cung cột sống vào thân đốt sống, đặt thanh nối các vít và cố định lại.
TỶ LỆ THÀNH CÔNG LÊN TỚI 98%
Theo tiến sĩ – bác sĩ Nam Anh, so với phương pháp mổ truyền thống, mổ cột sống xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của máy định vị C-arm tăng tỷ lệ thành công lên tới 98%, thường không có biến chứng, hạn chế tổn thương mô lành xung quanh. Vết mổ nhỏ cùng việc bắt vít chính xác, giảm thời gian phẫu thuật. Nhờ đó, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm đau, giảm mất máu, giảm biến chứng hậu phẫu, có thể đi lại, sinh hoạt nhẹ 1 – 2 ngày sau phẫu thuật.
“Toàn bộ hệ thống C-arm khá nhỏ gọn, đặc biệt cho phép bác sĩ di chuyển máy tự do hơn trên toàn bộ cơ thể bệnh nhân, cung cấp hình ảnh 3D có độ phân giải cao. Tất cả các thao tác đều được kiểm soát trên màn hình hệ thống X-quang tại phòng mổ giúp bác sĩ có đủ thông tin và hình ảnh để đặt vít vào xương chính xác”, tiến sĩ – bác sĩ Nam Anh thông tin và nhấn mạnh: “Màn hình tăng sáng C-arm cũng đã tạo điều kiện thuận lợi mang lại hiệu quả trong các ca mổ đòi hỏi độ phức tạp cao và chuyên sâu”.
Tiến sĩ – bác sĩ Nam Anh khẳng định: Máy định vị C-arm góp phần mang lại thành công cho các ca mổ cột sống xâm lấn tối thiểu. Thay vì rạch da bóc tách cân cơ, bộc lộ mạch máu thần kinh bảo vệ và tránh né, hình ảnh X-quang của bệnh nhân được tạo ra từ nhiều góc độ nhờ C-arm di động giúp bác sĩ tạo phẫu trường thuận lợi mà không cần mổ rộng chỗ cần can thiệp. Trong nhiều trường hợp, phương pháp mổ cột sống can thiệp tối thiểu được gây tê thay vì gây mê, giúp giảm nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh nền nguy hiểm kèm theo.