Dòng chảy sông Mekong bất thường, lũ miền Tây về thấp hơn các năm khoảng một m, khiến phù sa và lượng cá tôm giảm, đồng thời tăng nguy cơ xâm nhập mặn sớm.
Đầu tháng 9, xóm ghe ở Tân Lập, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) với khoảng 10 mái nhà rộn rã cảnh người dân chuẩn bị câu, lưới đánh bắt cá. Ngồi sát bờ kênh 79, bà Nguyễn Thị Phụng, 49 tuổi, dùng kim vá lại lỗ thủng từ những miệng dớn đặt cá cũ. Mỗi miệng dớn chi phí 500.000-800.000 đồng, có thể xài được hai mùa.
Gia đình bà Phụng quê gốc ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), do không có đất canh tác phải chạy ghe đến Long An xin đậu nhờ doi đất cặp bờ sông, mưu sinh bằng nghề đặt dớn và nuôi cá bông, cá lóc gần 20 năm nay. Mùa khô, họ đặt dớn dưới sông, chỉ trông mỗi năm mấy tháng mùa lũ nước tràn đồng để cải thiện thu nhập.
Những năm trước lũ lớn, với 40 miệng dớn mỗi ngày gia đình bà Phụng đánh bắt 50-70 kg cá chạch, chốt, lóc, trê, cua. “Năm nay, nước lũ thấp, nguồn cá giảm khoảng phân nửa”, bà Phụng nói. Mỗi ngày, từ 4h sáng chồng bà cùng hai con trai phải chạy xuồng máy xa hơn 10 km mà vẫn không đủ cá mồi (cá tạp), phải tốn thêm tiền mua thức ăn công nghiệp vỗ béo cho đàn cá bông, lóc hơn 10.000 con.
Cách đó 100 km, tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhiều cánh đồng lúa vụ 3 vừa gieo sạ đang lên xanh mướt. Ông Nguyễn Văn Thái ở xã Thường Thới Tiền, cho biết thời điểm này những năm trước đều đã xả đồng đón lũ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây lũ về chậm và thường thấp, vì thế ông cùng người dân địa phương chủ động làm vụ ba để cải thiện thu thập.
“Mỗi ha lúa một mùa tốn khoảng 20 triệu đồng chi phí phân thuốc, vụ nào lũ lớn nhờ phù sa bồi đắp, rửa trôi sâu bệnh sẽ đỡ chi phí phân thuốc khoảng 20-30%”, ông Thái nói.
Tại các huyện biên giới từ Hồng Ngự đến Tân Hồng, nhiều cánh đồng thu hoạch lúa xong cũng bắt đầu mở cống đón lũ. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của người dân, các cánh đồng thiếu nước bị cỏ dại, lúa chét mọc đầy làm nơi chăn thả trâu bò.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, thông tin năm nay thời điểm mùa lũ về cũng như các năm trước, song nước thấp hơn. Mực nước lũ đến cuối tháng 8 tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười từ 0,54 m đến 1,57 m; thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và năm 2000, 2011 từ 0,02 m đến 1,69 m. Tại Tân Châu, mực nước sông Tiền cuối tháng 8, đầu tháng 9 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng hơn một m.
PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), cho biết lũ năm 2023 Viện đã dự báo thấp, mực nước cao nhất tại Tân Châu khoảng 3,2-3,4 m (dưới báo động cấp một), thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,2-0,42 m. Đỉnh lũ xuất khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, trùng kỳ triều cường ở các cửa sông Cửu Long.
Theo ông Hùng, lũ thấp một phần do ảnh hưởng El Nino, khiến mưa trên lưu vực nhỏ, tổng lượng dòng chảy lũ về đến trạm Kratie (Campuchia) khoảng 360 tỷ m3. Ngoài ra, việc tích nước tại các hồ thủy điện trên lưu vực sông Mekong (hiện khoảng 65 tỷ m3, chiếm 13-29%) khiến tổng lượng dòng chảy mùa lũ giảm hẳn một cấp.
“Dòng chảy sông Mekong bất thường khiến lũ ở miền Tây thường xuyên nhỏ trong 20 năm qua trừ năm 2011”, ông Hùng nói.
Lũ nhỏ, kết thúc sớm cũng đồng nghĩa xâm nhập mặn năm nay sẽ sớm hơn. SIWRR khuyến cáo nông dân cần xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm, né hạn mặn. Các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn như Cần Đước, Cần Guộc (Long An), Gò Công (Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng nên chuyển đổi sản xuất sang cây trồng cạn.
Ngọc Tài – Hoàng Nam