Chiều 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo.
Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Gia Thành) |
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7; tạo điều kiện để đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm. Cụ thể:
Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước tính là 132 nghìn tỷ đồng). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng xuất siêu gần 20,2 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin: “Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%. Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao”.
Song song với đó, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn. Tháng 8 có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7.
Người phát ngôn của Chính phủ đánh giá: “Nhìn chung, trong tháng Tám và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, uy tín quốc tế ngày càng tăng; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương những nhiệm vụ như:
Tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Cụ thể, về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư toàn xã hội, huy động nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Về tiêu dùng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng;
Về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu: Về công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, khôi phục chuỗi cung ứng; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.
Về nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp để gỡ thẻ vàng của EU (IUU).
Về dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, truyền thông về chính sách thị thực mới, kéo dài thời gian lưu trú và xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm; chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Tập trung rà soát các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và chủ động sửa đổi, hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định. Tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, DN, hiệp hội ngành hàng với tinh thần cầu thị, lắng nghe.
Tập trung chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia; kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các TTHC không cần thiết, làm tăng chí phí, thời gian thực hiện của người dân, doanh nghiệp.
Về văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân…