Ngày 28/10, các Bộ trưởng Thương mại của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp tại tỉnh Osaka, Nhật Bản.
G7: Hướng tới chuỗi cung ứng đáng tin cậy, Nhật Bản cân nhắc đưa một vấn đề liên quan đến Trung Quốc ra WTO. Ảnh minh họa. (Nguồn: APA) |
Cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Ukraine cũng như bất đồng giữa các nền kinh tế lớn về chip và công nghệ tiên tiến cùng với các vấn đề khác đã cho thấy tầm quan trọng của an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng bền vững với các khoáng sản thiết yếu trong sản xuất chip máy tính và pin.
Ngày 28/10, các Bộ trưởng Thương mại của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại tỉnh Osaka, Nhật Bản, tập trung vào chủ đề củng cố chuỗi cung ứng các khoáng sản thiết yếu và những mặt hàng khác nhằm đảm bảo an ninh kinh tế.
Tại hội nghị dự kiến diễn ra trong 2 ngày, các bộ trưởng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lần đầu tiên được mời tới dự hội nghị này. Đây là những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng mạnh, vốn là vấn đề đang ngày càng trở nên cấp thiết trong môi trường địa chính trị phức tạp hiện nay.
Tại phiên họp mở rộng trong ngày đầu của hội nghị, Ấn Độ, nước giữ vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, cùng các nước Australia, Chile, Indonesia, Kenya, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang lên kế hoạch thảo luận với G7 về các phương thức đa dạng hóa hệ thống phân phối các khoáng sản quan trọng.
Hội nghị do Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa đồng chủ trì. Dự kiến hai vị Bộ trưởng sẽ công bố kết quả hội nghị tại họp báo vào ngày 29/10.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản cho biết, các bên muốn hướng tới các nguyên tắc chung về chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, đại diện các nhà sản xuất được mời tham dự.
Theo kế hoạch, các chương trình nghị sự trong ngày họp cuối cùng bao gồm cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Phản ứng trước lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản của Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra Thái Bình Dương, Nhật Bản đang cân nhắc việc đưa vấn đề này lên WTO.
Đây là cuộc họp thứ hai của các Bộ trưởng Thương mại G7 trong năm nay. Cuộc họp đầu tiên đã diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 4.