Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 10, cho thấy nhu cầu bên ngoài tiếp tục suy yếu và sự bất ổn ngày càng tăng đối với sự phục hồi của nền kinh tế.
Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 10 đang ở mức 56,5 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 77,71 tỷ USD trong tháng 9. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Ngày 7/11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 10, xuống còn 274,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind, mức giảm này đã tăng so với mức giảm 6,2% trong tháng 9, thấp hơn kỳ vọng được khảo sát. Trong khi đó, nhập khẩu đã tăng 3% trong tháng trước lên 218,3 tỷ USD, vượt kỳ vọng của Wind.
Kể từ mùa Hè năm nay, Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách kích thích để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng đình trệ. Tuy nhiên, sự phục hồi về tổng thể vẫn còn mong manh, do tình trạng sụt giảm tài sản vẫn tiếp diễn và các khoản nợ của chính quyền địa phương đang là nguy cơ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức dự báo và tư vấn có uy tín của Anh EIU nhận định: “Dữ liệu xuất khẩu cho thấy những điều không chắc chắn liên quan đến sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài. Sự gia tăng nhập khẩu có thể cho thấy nhu cầu trong nước phục hồi, nhưng sự phục hồi sẽ ở mức độ vừa phải do tỷ giá hối đoái còn yếu”.
Nhập khẩu đậu tương đã tăng 14,6% trong 10 tháng đầu năm tính theo khối lượng so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu dầu thô tăng 14,4% và lượng mua than tăng 66,8% trong cùng kỳ.
Hội chợ Canton – thước đo khả năng phục hồi xuất khẩu của Trung Quốc, cũng không đạt được kỳ vọng, với các giao dịch không thể trở lại mức trước đại dịch khi hội chợ kết thúc phiên họp mới nhất vào hôm 4/11 tại tỉnh Quảng Đông.
Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 10 đang ở mức 56,5 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 77,71 tỷ USD trong tháng 9.
“Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chậm chạp do đà tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu đang chậm lại. Nhu cầu bên ngoài có thể sẽ suy yếu hơn nữa trong 6 tháng tới”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc đang phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng.
“Sự phục hồi của tăng trưởng nhập khẩu là một bất ngờ tích cực. Không rõ liệu sự phục hồi này có cho thấy rằng nhu cầu trong nước đã được cải thiện hay không. Chúng tôi cần theo dõi các điểm dữ liệu khác, chẳng hạn như doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, khi chính sách tài khóa trở nên chủ động hơn, nhu cầu trong nước có thể sẽ phục hồi trong những tháng tới”, ông Zhang dự báo.