Cúc Phương không chỉ ẩn giấu sức hấp dẫn liên quan đến hàng chục ngàn loài động, thực vật mà khu rừng này đang bao bọc…
Chị Hoàng Thị Thúy, chị Elke Schwierz (người Đức) và anh Nicolas (du khách Pháp) tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương. (Ảnh: M.H) |
Thông thường, để tham quan một nơi như Cúc Phương, người ta thường lên kế hoạch trước nhiều ngày, đôi khi vài tháng hoặc thậm chí là cả năm, như cách mà các du khách nước ngoài thường làm. Nhưng chuyến đi tới Cúc Phương của tôi lại tình cờ và bất ngờ khi nhập cuộc cùng nhóm phượt của anh Nicolas (người Pháp). Nicolas đã có kinh nghiệm du lịch gần 50 nước trên thế giới và rừng Cúc Phương là điểm đến cuối cùng của anh trong chuyến phượt ở Việt Nam lần này.
Viên ngọc xanh của châu Á
Ngày cuối tuần nắng vàng rực rỡ. Chiếc xe chở chúng tôi bon bon trên đường Hồ Chí Minh đẹp như dải lụa để đến với Cúc Phương. Tôi thấy khâm phục nhạc sĩ Trần Chung khi trong đầu vang lên từng ca từ da diết, tuyệt vời của ông: “Nhớ một thuở hồng hoang, rừng chưa có tên, mưa nắng thiên thu, rừng cây non thành rừng đại ngàn. Rừng bao nhiêu tuổi, rừng đâu có nhớ. Sao ta mãi gọi là em, khi đất nước đặt tên cho rừng”.
Chúng tôi gặp anh Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ của Vườn quốc gia Cúc Phương, ngay khi vừa “nhập cảnh” rừng. Nở nụ cười rạng rỡ, anh chia sẻ: “Các du khách, đặc biệt là khách quốc tế, đa số đều muốn đến Cúc Phương trong chuyến thăm Việt Nam vì đây là ‘viên ngọc xanh’ với hệ sinh thái đứng đầu châu Á. Bên trong nó, du khách còn khám phá những điều hơn thế nữa”.
Anh Hải giới thiệu, án ngữ trên dãy núi đá vôi hùng vĩ, Vườn quốc gia Cúc Phương kéo dài từ Hòa Bình sang đất Thanh Hóa đến tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Tổ chức World Travel Awards bầu chọn và vinh danh đại danh này là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong năm năm liên tiếp (từ 2019-2023). Trải qua thời gian dài, khu rừng không chỉ gìn giữ được sự hùng vĩ, mà còn trở thành mái nhà chung cho thảm thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Chị Hoàng Thị Thúy – nữ cán bộ trẻ người Mường với hơn 10 năm kinh nghiệm và làm việc tại đây, dẫn chúng tôi tham quan. Chiếc xe của Trung tâm “thả dáng” trên con đường mát mẻ, đẹp như mơ dài hơn 10km như dải lụa uốn lượn để tới trung tâm rừng. Các thành viên không giấu được ánh mắt ngưỡng mộ và sự thán phục trước vẻ đẹp của Cúc Phương. Mùa này, Cúc Phương thật rực rỡ với các loại hoa rừng nở rộ, cùng với đó là rợp trời những đàn bướm vàng, bướm trắng tung tăng trong nắng. Những chiếc “xích đu thiên nhiên” được làm từ cây dây bàm bàm khiến mọi người như lạc vào tiên cảnh.
Tiếng chị Thúy cất lên: “Vào dịp cuối Hè, đầu Thu chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những đàn bướm đầy màu sắc bay lượn khắp khu rừng. Cúc Phương có tới gần 400 loài bướm sinh sống, như bướm trắng, bướm khế, bướm phượng, hồ điệp… với đủ màu sắc và kích cỡ. Ban đêm, không cần nhìn lên bầu trời, các bạn vẫn có thể ngắm sao bởi những đàn đom đóm đẹp như mơ bay lượn khắp rừng”.
Dừng chân tại Vườn thực vật Cúc Phương, chị Thúy cho biết, đây là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập, gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và thế giới.
Anh Nicolas ghé sang tôi thầm thì: “Như lạc trong đảo của bộ phim viễn tưởng”. Anh thích thú nhờ tôi chụp ảnh với cây ráy rừng to bằng cây chuối, còn cây chuối rừng cao như phi lao… mọc lên từ không khí mát rượi của rừng.
Khi đến Cúc Phương, bất cứ du khách nào cũng háo hức muốn “diện kiến” những cây chò ngàn năm. Mặc dù có những cây già quá đã mất, thì tại đây cũng vẫn còn nhiều cây trên 700 tuổi, với chu vi tới sáu, bảy người ôm. Điều đáng ngạc nhiên, rất nhiều cây đại thụ ở Cúc Phương lại mọc trên núi đá nên rễ của chúng thường to, rộng đến vài mét chứ không tròn như những rễ của các cây được mọc từ đất thịt.
Nữ hướng dẫn viên với cả thập niên gắn bó với Cúc Phương say sưa giải thích cho chúng tôi về vô số những điều thú vị trong rừng: “Các bạn hãy nhìn những cây dây leo bàm bàm này. Chúng ta không thể biết được đâu là thân, đâu là ngọn của chúng, bởi chúng mọc từ đất, leo lên cao, rồi lại rơi xuống, mọc rễ từ thân rồi lại leo lên… Cứ như vậy, nếu lần theo một dây bàm bàm thì mới thấy chúng cứ mải miết leo rồi rơi và lại leo trên hành trình tới 2km. Anh chàng Nicolas càng thêm say mê bởi câu chuyện về cây báng – loài thực vật có bột trong thân cây, trông bề ngoài như cây dừa dại. Anh gật gù khi được lý giải lý do liên quan, tại sao bộ đội Việt Nam có thể sống lâu ở rừng trong suốt hai cuộc kháng chiến đằng đẵng như vậy.
Chúng tôi cứ mải miết với hàng ngàn loài thực vật trong rừng cho đến khi trời gần tắt nắng, càng đi càng vui. Đâu đó, tiếng chim kêu chiều lác đác. Chị Thúy liền giả giọng: “Cờ rúc, cờ rúc…” thì ngay sau đó, trong không gian chợt rộn lên bản nhạc núi rừng bởi những tiếng cờ rúc cứ thế nối tiếp nhau hòa vang…
Cây chò khoảng 700 năm tuổi có thân rộng đến sáu người ôm. (Ảnh: MH) |
Ở lại với Cúc Phương
Bên trái cổng vào của rừng Cúc Phương là khu bảo tồn các loài thực vật, động vật hoang dã như Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng, Trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, Trung tâm bảo tồn Rùa…
Anh Đỗ Hồng Hải cho biết, được thành lập từ năm 1993, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương được ví là ngôi nhà chung của các loài linh trưởng. Đây là trung tâm cứu hộ đầu tiên tại Đông Dương thực hiện sứ mệnh cứu hộ, phục hồi, sinh sản, bảo tồn và tái thả tự nhiên các loài thú quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Tròn mắt ngạc nhiên nhìn con voọc ngũ sắc đang được chăm sóc trong chuồng, anh Nicolas reo lên: “Con thú này đẹp quá!”. Còn tôi thì thích thú đưa máy ảnh sát vào tận chuồng để chụp. Bỗng tôi giật mình nghe từ sau cánh cửa có tiếng nói: “Chăng pỉ”. Chị Thúy vội kéo tôi ra và giới thiệu, đây là chị Elke Schwierz, người Đức. Chị ấy vừa nói tiếng Mường, có nghĩa là “Không thế”, vì ở gần voọc sẽ lấy đồ của khách rất nhanh. Vì vậy, du khách chỉ đi đúng hàng kẻ, không vào sát chuồng.
Từ lúc đó, chị Elke Schwierz trở thành “hướng dẫn viên” chính, dẫn chúng tôi đi dạo hết từ chuồng voọc này đến chuồng khác. Chị chia sẻ: “Tôi làm ở Trung tâm bảo tồn linh trưởng từ năm 2002. Hơn 20 năm trước, nơi đây rất khác bây giờ. Trước đây người dân còn vào rừng lấy thực vật, bắt động vật về bán hoặc thịt ăn… nhưng bây giờ cũng chính họ nếu bắt được thú quý hoặc thú gặp nạn đều đưa về cho Trung tâm chăm sóc. Hiện Trung tâm đang bảo tồn 190 cá thể voọc, vượn và cu li. Trong đó, có tới 120 cá thể voọc và chúng cũng là loài khó chăm sóc nhất. Voọc chỉ ăn lá cây và chúng tôi dùng hơn 4 tạ lá mới đủ cho chúng ăn ba lần mỗi ngày”.
“Tôi đã học ở vườn thú ở Berlin, rồi làm việc cho vườn Leipzig ở miền Đông nước Đức. Tôi yêu công việc làm bạn với động vật hoang dã. Tôi yêu sự vắng vẻ và khi đến Cúc Phương thì tôi thấy đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi có thể quanh quẩn cả ngày trong chuồng thú chứ không chịu nổi nửa tiếng ở văn phòng”, chị Elke tâm sự.
Nói về công việc của mình, chị trăn trở: “Do vấn đề bảo tồn cả động và thực vật của rừng nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn lá cho voọc. Chúng tôi phải đi ra ngoài rừng để kiếm lá. Vấn đề là quanh đây, người dân đều khai phá để trồng dứa, trồng mía cả rồi nên việc tìm đủ ba tạ lá mỗi ngày cho voọc là khá chật vật, nhất là vào mùa Đông”.
Việc cứu hộ voọc bé cũng khiến Elke bận như nuôi con mọn. Với những voọc bé không còn mẹ, chưa nói việc hoàn thiện bộ hồ sơ cho từng con phải đi lại khá vất vả và mất nhiều thời gian thì việc chăm sóc như với trẻ sơ sinh cũng khiến chị bận tối mắt cả ngày. “Nhiều khi, tôi không biết mình có đủ sức khỏe để làm cả ngày, cả đêm không vì voọc con cần được cho uống sữa hai tiếng một lần. Có lần, chúng tôi tiếp nhận đến sáu voọc con thì giống như nuôi sáu đứa trẻ, rất vất vả. Thế nhưng, tôi cùng các đồng nghiệp tại đây hỗ trợ nhau và cứ thế vượt qua”, Elke cho biết.
Càng nói chuyện với Elke, tô càng mến phục tình yêu dành cho thiên nhiên của người phụ nữ đến từ nơi xa, nhưng đã chọn “ngủ lại cùng cỏ cây hoa lá, rì rào qua mùa trăng” ở Cúc Phương.
Rời Cúc Phương, trong lòng tôi vẫn văng vẳng những nhạc điệu trong bài hát của nhạc sĩ Trần Chung: “Bên em một lần để rồi xa nhớ mãi, tình rừng xanh ngàn thu, trầm dâng câu hát yêu thương về vui giữa đời”.
Cảm ơn Cúc Phương, cảm ơn những cán bộ, nhân viên, những người bạn quốc tế… đã luôn gắn bó, gìn giữ và bảo vệ Cúc Phương, cho hôm nay và mai sau.
window.fbAsyncInit=function(){FB.init({appId:’277749645924281′,xfbml:true,version:’v18.0′});FB.AppEvents.logPageView();};(function(d,s,id){var js,fjs=d.getElementsByTagName(s)[0];if(d.getElementById(id)){return;}js=d.createElement(s);js.id=id;js.src=”https://connect.facebook.net/en_US/sdk.js”;fjs.parentNode.insertBefore(js,fjs);}(document,’script’,’facebook-jssdk’));
Nguồn