Nhu cầu tăng 9 – 10% mỗi năm, nhưng nguồn mới khá mơ hồ
Ngày 13.11 vừa qua, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tổ chức sự kiện liên quan đến thi đua trong công đoàn của doanh nghiệp. Trong buổi lễ, đại diện 12 đơn vị nhiệt điện than thuộc EVN đã ký kết giao ước thi đua giảm sự cố, bảo đảm sẵn sàng phát điện các nhà máy nhiệt điện than. Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, thông tin tại buổi lễ rằng năm 2024 với phương án phụ tải dự kiến tăng trưởng 8,96%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống cần là 306,4 tỉ kWh. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than của 12 đơn vị tham gia ký kết thi đua sẽ đóng góp 78,6 tỉ kWh và có khả năng còn cao hơn nữa do dự báo năm 2024 tiếp tục gặp khó về thủy văn, thời tiết.
Giao ước “thi đua giảm sự cố” của ngành điện thoạt nghe thấy lạ, bởi các sự cố của nhà máy nhiệt điện than từng xảy ra trước đây, thường do nhà máy chủ động ngưng để bảo dưỡng, hoặc chạy hết công suất bù cho thủy điện nên bị quá tải, xảy ra sự cố, phải bảo dưỡng… Trong khi đó, những khó khăn về thủy văn đối với thủy điện năm nay cũng đã được dự báo trước. Vì vậy, việc giữ ổn định, không sự cố cũng là đóng góp quan trọng vào sản lượng điện toàn ngành.
Thêm một giải pháp nữa mà EVN đang rất cấp tập triển khai là làm truyền tải, mua điện từ Lào về. Ngày 14.11 vừa qua, EVN làm việc với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) nhằm đẩy tiến độ các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào và giải phóng công suất thủy điện nhỏ vùng Tây Bắc. Theo EVNNPT, đơn vị này đang triển khai 3 dự án mua điện Lào (khu vực phía bắc) và triển khai 12 dự án giải tỏa thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc. Tuy vậy, theo lãnh đạo EVNNPT, mặc dù có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, song nhiều dự án vẫn gặp khó khăn vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều hướng tuyến, chủ trương phê duyệt đầu tư…
Diễn biến trên cho thấy áp lực thiếu điện trong mùa nắng nóng năm sau không hề nhỏ. Trong thực tế, hệ thống điện VN có tổng công suất nguồn điện là 80.000 MW song nguồn khả dụng hệ thống chỉ từ 50.000 MW đến tối đa là 52.000 MW. Năm 2023, thời điểm tiêu thụ đỉnh có lúc vượt mốc 52.000 MW. EVN dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng bình quân khoảng 9% mỗi năm, tương ứng khoảng 4.000 – 4.500 MW/năm. Nhưng công suất khả dụng toàn hệ thống huy động được 7 tháng tính từ đầu năm cũng chưa tới 48.000 MW, chưa bao gồm lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào, chiếm 1,5% tổng sản lượng điện huy động, tương đương 3,56 tỉ kWh.
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục an toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công thương)
Theo EVN, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Còn tại miền Bắc, nhu cầu tăng 10% mỗi năm, công suất dự phòng lại thấp, nên dự báo trong giai đoạn nắng nóng cao điểm (khoảng tháng 6 – 7.2024) có thể thiếu từ 420 – 1.770 MW điện.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống điện có nguy cơ đối mặt với mất cân bằng trong cung – cầu vào mùa hè năm sau, đặc biệt tại khu vực miền Bắc khi trong vòng 2 năm tới, nguồn điện mới bổ sung rất hiếm, nguồn điện mới đến nay vẫn khá mơ hồ.
Sự vào cuộc của các bộ, lãnh đạo tỉnh thành…
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình bày tỏ lo lắng trước nguy cơ thiếu điện vẫn còn rất cao. “Một vấn đề không mới, nói đi nói hoài là kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 chậm quá. Chậm thông qua kế hoạch thì làm sao triển khai đúng quy hoạch và ai sẽ làm? Có những dự án kêu gọi vốn, nhưng cũng có những dự án trách nhiệm của EVN phải đầu tư. Không có kế hoạch, không có cơ chế mua bán điện trực tiếp, giá điện tái tạo… thì làm sao sớm có nguồn để bổ sung. Rồi giả sử miền Nam, miền Trung thừa điện đi, truyền tải ra Bắc bằng cách nào trong khi dự án đường dây 500 KV mạch 3 vẫn chưa dám chắc là đúng hẹn, đúng thời điểm Thủ tướng giao? Nỗ lực của ngành điện, ý chí của ngành thôi chưa đủ”, ông Đào Nhật Đình nói thẳng.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công thương), cho rằng nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ nhấn mạnh cho ngành công thương nói chung, ngành điện nói riêng là “tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi trường hợp” liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương. Ông nhấn mạnh: “Trong cuộc họp gần đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp để sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, xây dựng cơ chế giá, vận hành minh bạch và đặc biệt sớm có hành lang pháp lý đồng bộ nhằm thu hút đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện mới. Đáng lưu ý, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nên xem xét bởi đó là đơn vị nắm toàn bộ vốn nhà nước, quản lý, cập nhật tiến độ…
Liên quan đến năng lượng, nguồn tài chính để đầu tư, cấp tiền thế nào kịp tiến độ thì vai trò của Bộ Tài chính trong lúc này cũng rất quan trọng. Rồi công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đường truyền tải qua các địa phương cũng vướng mắc liên tục, đây là nhiệm vụ của các vị chủ tịch tỉnh, TP liên quan. Nên câu chuyện của ngành điện thực tế liên quan đến nhiều bộ, ngành và các địa phương”.
Giải quyết các vấn đề trên, theo ông Ngô Đức Lâm, là dọn dẹp và phân việc rõ ràng. Còn lại, trong ngắn hạn, cụ thể là vào mùa hè năm sau, nếu không khắc phục những lý do chủ quan ngay từ bây giờ, không có công tác chuẩn bị tốt thì thiếu điện vẫn là điều đáng báo động. Ông nói: “Không phải tự nhiên là các nhà máy nhiệt điện phải cam kết không để sự cố xảy ra và bảo đảm phát điện kịp thời đâu. Công tác đại tu của nhiều nhà máy nhiệt điện than xảy ra cùng thời điểm thủy điện cạn nước. Nay việc bảo dưỡng nhà máy nhiệt điện phải được chuẩn bị sớm, từ bây giờ. Thứ hai là nguồn than cung ứng cho nhà máy phải bảo đảm đủ, tuyệt đối không để thiếu. Thứ ba là đề phòng hạn, thiếu nước cực đoan như năm nay, có nguồn khác thay thế chưa?
Thứ tư, điện tái tạo trong năm nay và cả năm ngoái cứ bị “cãi nhau ì xèo” vì điện thừa, không phát lên lưới được, rồi không bán trực tiếp được… Hiện nay vẫn chưa có cơ chế mua bán điện trực tiếp, không qua EVN; giá mua điện các dự án điện tái tạo chuyển tiếp… Những vướng mắc này phải được giải quyết dứt điểm trong năm nay, càng sớm càng tốt. Về lâu dài, nếu Quy hoạch điện 8 không được triển khai sớm, đảm bảo đủ điện đến năm 2030 vẫn là thách thức”.
Đến năm 2025, miền Bắc có thể thiếu điện trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỉ kWh trong cao điểm mùa khô do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít.
Đại diện EVN