Sáng 20-11, trong phiên Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương có phát biểu đáng chú ý về vấn đề khám chữa bệnh cho người dân. ĐB đề nghị bỏ giấy chuyển viện để người bệnh đỡ khổ; bỏ danh mục thuốc do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
“Danh mục thuốc, vật tư y tế đó phải do bác sĩ, ngành y quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào nếu đúng và hiệu quả thì BHYT phải thanh toán như vậy, xin đừng có cái danh sách thuốc được BHYT thanh toán nữa”, ĐB phát biểu.
Giải trình lại, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề giải quyết quá tải bệnh viện đã qua nhiều đời bộ trưởng Bộ Y tế phải giải trình.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp sáng 20-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, luật cũ quy định việc khám chữa bệnh phân làm 4 cấp, còn luật mới phân làm 3 cấp, nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào, căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng của người bệnh. Từ năm 2014, việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến).
Bộ trưởng cho rằng việc chuyển tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân đã cơ bản được giải quyết, vấn đề còn lại là người dân có được đi thẳng từ tuyến huyện, tỉnh lên trung ương hay không. Bộ trưởng Y tế khẳng định việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải khi dồn lên tuyến trên.
Hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân; và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.
Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.
Trả lời trực tiếp câu hỏi “có bỏ giấy chuyển viện được không?”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng, lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết. Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục cho người bệnh.
Về thuốc do BHYT chi trả, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, danh mục thuốc BHYT thường xuyên cập nhật. Năm 2024, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư cập nhật danh mục này, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng điều trị cho người dân và quản lý Quỹ BHYT. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có danh mục thuốc BHYT cung ứng cho người bệnh tốt nhất.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực trạng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục. ĐB đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn. Đây cũng là vấn đề mà ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt ra.
Giải trình lại, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quy định về mua sắm đấu thầu, không có quy định về vay, mượn, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ, đảm bảo sinh mệnh của người dân trên hết và trước hết nên thực tế có việc tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu chữa bệnh, xét nghiệm. Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ sớm có các biện pháp cho vấn đề này trước 31-12-2024, nhưng đây là việc khó, Bộ Y tế đang phối hợp với UBND các tỉnh thành triển khai. Bộ Y tế đã có 2 công văn đề nghị các địa phương báo cáo tình hình vay mượn.
Tổng hợp từ 48 địa phương, 7 bộ ngành cho thấy số vay mượn khoảng 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỷ đồng, kit xét nghiệm 939 tỷ đồng. Từ đó, Bộ Y tế phân loại các hình thức vay mượn, như có hợp đồng hay chưa, có đàm phán giá hay chưa… để có phương án xử lý triệt để. Hiện bộ đang giao các đơn vị xây dựng phương án.
“Do chưa có quy định luật pháp nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế xử lý để gỡ khó cho các bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết và nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã đưa vào hình thức vay mượn, ứng trước trang thiết bị vật tư y tế, các đơn vị đang làm hướng dẫn chi tiết cho việc này để thực hiện lâu dài.
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế mà nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vừa qua, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đã hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế, chính sách để bảo đảm việc mua sắm thuốc, vật tư. Bộ trưởng dẫn chứng như các lĩnh vực khác cần 3 báo giá thì với thuốc, vật tư y tế có khi chỉ cần 1 báo giá; trường hợp cần thiết không phải giá thấp nhất vẫn được mua nếu được hội đồng khoa học làm rõ. Hay Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều cơ chế mua sắm đặc thù. Nghị quyết của Quốc hội cũng tháo gỡ nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ, tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc khi nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, việc phân cấp phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian. Thực tế, ở địa phương, nhiều cơ sở giao cho đơn vị đấu thầu nhưng cán bộ trực tiếp thực hiện là bác sĩ, không rõ cơ chế mua sắm nên quá trình làm còn lúng túng. Rồi vấn đề phân cấp, phân quyền, như Bộ Y tế phân cấp toàn bộ cho đơn vị trong bộ thực hiện mua sắm.
Trong khi đó, có địa phương phân cấp đơn vị chỉ mua được đến 100 triệu đồng, nếu cao hơn phải trình lên Sở Tài chính, lên tỉnh phê duyệt, thời gian lâu hơn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh thành rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.