Nhiều trạm quan trắc ở Hà Nội hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
8h30 sáng nay, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiển thị chỉ số AQI là 225 – tương đương mức rất xấu, ảnh hưởng đến tất cả người dân.
Trong 16 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu (151-200), 7 trạm ở mức kém (101-150), hai trạm ở mức trung bình (51-100) và không có trạm mức tốt (0-50).
Trong đó, trạm ở đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm có AQI cao nhất 194 – tiệm cận với mức rất xấu; trạm 36 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm 184.
Trong các điểm đo của Đại sứ quán Mỹ, điểm tại Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội ở Phú Thượng, quận Tây Hồ có AQI là 270, tức rất xấu.
Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí cá nhân Pam Air cũng ghi nhận nhiều nơi có chất lượng không khí rất xấu. Đặc biệt, điểm Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân chỉ số AQI là 406, tức mức nguy hại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.
Cùng lúc này hệ thống tổng hợp ô nhiễm không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới với chỉ số tổng hợp 199. Đứng đầu là Delhi (Ấn Độ) 282, tiếp đó là Karachi và Lahore của Pakistan lần lượt 249 và 215.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lý giải những ngày gần đây xuất hiện tình trạng ô nhiễm bụi tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán rộng. Việc đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp của người dân ngoại thành cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm phức tạp.
“Chất lượng không khí đang có xu hướng diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội”, Cục nhận định.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường quan trắc, công bố kết quả và khuyến cáo người dân áp dụng ngay biện pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm hoạt động ngoài trời vào 5h-7h và 14h-19h.
Các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, rác, phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường che chắn các công trình xây dựng, phun rửa đường để giảm lượng bụi phát tán ra môi trường.