Vượt khó và bứt phá
Ngày 1.1.2013, EVNGENCO2 chính thức đi vào hoạt động với 12 đơn vị thành viên trải dài từ Bắc đến Nam. Bước ngoặt lịch sử này đặt lên vai EVNGENCO2 trọng trách phải trở thành một Tổng công ty Phát điện lớn, có uy tín và trách nhiệm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với xã hội, với đất nước, góp phần xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, tình hình tài chính vào thời điểm mới thành lập là vấn đề nan giải của EVN nói chung và EVNGENCO2 nói riêng. Các đơn vị thành viên của EVNGENCO2 đa dạng loại hình, từ nhiệt điện dầu, nhiệt điện than đến thủy điện… Nếu tính cả các tổ máy đang triển khai và dự kiến xây dựng thì tổng công suất lắp đặt của toàn công ty khoảng 4.500 MW, cao hơn rất nhiều so với Nhà máy nhiệt điện Cần Thơ 500 MW. Trụ sở các đơn vị thành viên, các tổ máy được phân bổ từ Bắc chí Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng nên việc đi lại khó khăn, sự khác biệt về văn hóa vùng miền rõ rệt.
Chính sự cách trở về mặt địa lý cộng với chưa có cán bộ nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành một doanh nghiệp có nhiều đơn vị thành viên dẫn đến lúng túng trong xây dựng mô hình tổ chức, phương án nhân sự, phương án tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chưa kể muôn vàn thử thách do nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng, trong khi thời tiết bất lợi với khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước tại các hồ thủy điện, thiên tai, bão lũ bất thường, thiếu than, giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất điện tăng cao… Trước áp lực đó, tập thể EVNGENCO2 nỗ lực ngày đêm, cẩn trọng từng bước đi, trăn trở từng quyết định.
Giai đoạn 2014 – 2018, 11 tổ máy của nhà Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng II; Nhà máy thủy điện Sông Bung 4; Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I; Nhà máy thủy điện Trung Sơn; Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 đi vào vận hành thương mại, tăng quy mô công suất thêm 1.446 MW, đánh dấu sự lớn mạnh của EVNGENCO2. Đến nay, công suất đặt trong toàn EVNGENCO2 đạt 4.461 MW, tăng xấp xỉ 1,5 lần so với năm 2013. Con số này dự kiến tiếp tục tăng lên khi các công trình nhà máy điện mới được đưa vào như điện gió, điện mặt trời trên lòng hồ và các dự án mở rộng thủy điện.
Dấu ấn cổ phần hóa
Tháng 7.2021 được xem là cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của Tổng công ty Phát điện 2 khi chính thức chuyển Công ty mẹ EVNGENCO2 từ hình thức công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần, vốn điều lệ 11.866 tỉ đồng. Như khơi đúng mạch phát triển, sau khi cổ phần hóa, năng suất lao động của EVNGENCO2 từ 2,52 triệu kWh/người vào năm 2020, đến năm 2022 đạt 2,84 triệu kWh/người (tăng 12%). Từ đây, cổ phần hóa đã góp phần đổi mới cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý của Tổng công ty.
Tính từ khi thành lập đến nay, mỗi năm, EVNGENCO2 đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất là 1.300 tỉ đồng, cao nhất là 2.500 tỉ đồng, các đơn vị thành viên luôn nằm trong nhóm đầu nộp ngân sách cao nhất ở nơi đặt trụ sở, nhà máy. Đặc biệt, năm 2021, vượt qua đại dịch Covid-19, EVNGENCO2 nộp ngân sách hơn 1.900 tỉ đồng. Điều đó cho thấy nội lực, sức sống của một doanh nghiệp vừa mới cổ phần hóa. Tính riêng công ty mẹ EVNGENCO2 trong 10 năm qua nộp ngân sách cho TP.Cần Thơ 4.198 tỉ đồng.
Trách nhiệm với xã hội
Với định hướng xây dựng EVNGENCO2 là một doanh nghiệp có trách nhiệm trước cộng đồng xã hội, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã đóng góp 130 tỉ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Đó là những món quà chất chứa tình cảm của “chiến sĩ áo cam”, là những căn nhà đại đoàn kết được dựng xây bằng yêu thương; những phần quà hỗ trợ khi đồng bào miền Trung sau mỗi cơn bão; hay những ngôi trường mới được xây dựng cùng biết bao học bổng ý nghĩa, nâng bước trẻ em nghèo đến trường… Nghĩa tình còn được thể hiện qua hơn 3.000 đơn vị máu mà toàn thể cán bộ, công nhân viên EVNGENCO2 tham gia hiến máu từ năm 2015 – 2022.
Trong 10 năm qua, có một điều thấy rõ là trong khó khăn, EVNGENCO2 luôn nhìn thấy cơ hội. 3 nhà máy nhiệt điện, 9 nhà máy thủy điện không ngừng nỗ lực cải tiến để hôm nay đóng góp gần 6% sản lượng điện toàn quốc. EVNGENCO2 dần khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực phát điện bằng chính những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đất nước nói chung.
“Trong chiến lược vươn lên của mình, EVNGENCO2 xác định 3 lĩnh vực trọng tâm là: hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để thực hiện chiến lược này, EVNGENCO2 đặc biệt chú trọng thu hút tài năng và mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng. EVNGENCO2 mong muốn đồng hành cùng những đối tác quốc tế tiềm năng thực hiện đầu tư các dự án có quy mô lớn cũng như đa dạng hóa hình thức đầu tư”, ông Trần Phú Thái, Chủ tịch HĐQT EVNGENCO2 khẳng định.